Bạn có phải là người quan trọng trong công ty? Đạt đến 4 “cảnh giới” – 4 phẩm chất quý báu này để không bao giờ lo thất nghiệp dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào.
Bạn có phải là người quan trọng trong công ty? Đạt đến 4 “cảnh giới” – 4 phẩm chất quý báu này để không bao giờ lo thất nghiệp dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào.
Mùa dịch, kinh doanh ế ẩm, khó khăn trăm bề, không ít công ty nghĩ đến chuyện cắt giảm nhân viên để đỡ gánh nặng. “Liệu người ra đi có phải là mình?”, bạn có đang có nỗi lo này?
Sở hữu 4 phẩm chất dưới đây, bạn không những không lo mất việc, vững vàng trước khủng hoảng mà còn yên chí về giá trị của bản thân, thênh thang thăng tiến trên con đường sự nghiệp.
1. Người biết “tự bùng cháy”
“Những người có thể tự mình bùng cháy không làm việc vì người khác bảo phải làm. Họ bắt tay vào làm trước cả khi bản thân được giao việc”, doanh nhân lão làng Nhật Bản Inamori Kazuo chia sẻ trong cuốn sách “Triết lý kinh doanh của Kyocera”.
Giả sử vấn đề là “tăng doanh thu năm nay lên gấp bội”, dù chỉ là một nhân viên trẻ tuổi nhưng nếu bạn biết đưa ra ý kiến: “Thưa trưởng phòng, giám đốc có nói đến việc tăng doanh thu. Vậy sao mọi người không tập trung lại để bàn về cách thức tăng doanh thu?”. “Người biết bùng cháy không làm như vậy vì muốn thể hiện mà vì họ có trong mình mục đích giải quyết một vấn đề cụ thể”, Inamori Kazuo chia sẻ.
Theo vị doanh nhân này, người có tinh thần “tự bùng cháy” như vậy luôn năng nổ, chủ động và quan trọng nhất, có thể lan toả nhiệt huyết đó cho cả công ty. Đó là kiểu nhân viên mà công ty cần có, không ai muốn mất.
2. Người làm việc hết mình hết sức
“Trên thế giới, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất và chế tạo sản phẩm, có những người được mệnh danh là danh nhân hay nghệ nhân. Họ đã dành cả cuộc đời để nghiêm túc làm việc hết sức, chính vì thế, họ mới đạt tới cảnh giới đó”, Inamori Kazuo nói, “Nếu chỉ cố gắng chút ít thôi thì sẽ không thể đạt được”.
Đạt đến cảnh giới này, những thành quả của người đó tạo ra sẽ “khiến người ta phải cảm động”, khác hẳn những gì đến từ người làm việc qua loa, chiếu lệ. Đó mới chính là phẩm chất làm nên những danh nhân, nghệ nhân.
Ngoài ra, có câu “Nhân cách con người được hình thành thông qua lao động”. “Nhân cách được hình thành bằng việc chấp nhận chịu khổ cực, nghiêm túc cố gắng từ khi còn trẻ thì đến khi về già cũng khó có thể thay đổi”, nhà sáng lập Kyocera nói. Nghiêm túc làm việc hết mình chính là yếu tố hình thành nhân cách đáng quý của một người, khiến ai ai cũng yêu mến, cảm phục.
3. Người luôn học hỏi, sáng tạo, thường đưa ra những sáng kiến mới
Inamori Kazuo dẫn một ví dụ trong “Triết lý kinh doanh của Kyocera”: Nhà sáng lập tập đoàn Panasonic – Matsushita Konosuke – vốn là người chưa học hết cấp một. Ông tới Osaka để làm thợ học việc, và cuối cùng ông đã thành lập nên công ty sản xuất điện máy Matsushita (nay là Panasonic) lừng danh.
Dù luôn có một câu đùa cửa miệng: “Tôi chẳng được học hành gì”, Matsushita Konosuke luôn giữ thái độ khiêm nhường để học hỏi kiến thức, kinh nghiệm. “Ông đã tự mình sáng tạo mỗi ngày để đạt được những công phu”, Inamori Kazuo kể.
Theo nhà sáng lập Kyocera, cố gắng hết mình rất quan trọng, nhưng không đủ. Điều thiết yếu là vừa phải làm việc hết mình, vừa tự phê bình và cải thiện, cải tiến công việc, chứ không “vô thức lặp lại những công việc của ngày hôm qua”.
Chẳng hạn, trong một công ty, người lau dọn sở hữu tư duy sáng tạo có thể đưa ra ý kiến: “Thưa giám đốc, chúng ta có thể mua một chiếc máy hút bụi mới được không? Lau dọn bằng máy hút bụi có năng suất cao hơn so với chổi và giẻ lau sàn, nên chỉ cần mình tôi cũng có thể đảm nhiệm được công việc lau dọn, tiết kiệm được chi phí nhân công?”.
Thậm chí, nếu tinh thần sáng tạo được nâng cao, người đó có thể đề xuất: “Tôi muốn thuê thêm nhân viên và thử bắt đầu dịch vụ lau dọn các toà nhà, nên hãy cho chúng tôi được tách ra thành công ty riêng”.
Thông qua những sáng kiến, những nỗ lực sáng tạo nhỏ bé mỗi ngày, một người lao công cũng có thể đạt đến thành công. “Không ngừng cải tiến có thể khiến những điều nhỏ bé nhất trở nên tốt hơn chính là tư duy của người làm việc có sáng tạo”, Inamori Kazuo nói. Tinh thần này đặc biệt quan trọng trong thời kỳ khủng hoảng, nhiều ngành nghề kinh doanh bế tắc như hiện nay.
4. Người làm việc vì thật sự đam mê, yêu thích
Cuối cùng, tình yêu thuần khiết với công việc là phẩm chất đáng quý nơi người nhân viên mà không nhà lãnh đạo nào muốn đánh mất.
Thuở mới lập nghiệp, Inamori Kazuo tốt nghiệp đại học năm 1955, thời nước Nhật còn đang trong khủng hoảng sau cuộc chiến tranh Triều Tiên và không có nhiều việc làm. Ông được nhận vào làm trong một công ty sản xuất thiết bị cách điện có tên là Nhà máy Công nghiệp Shofu ở Kyoto, nơi mà “việc chậm lương một, hai tuần là không hề hiếm. Và do tình hình kinh doanh của công ty không được tốt, cũng hay xảy ra những cuộc tranh luận với công đoàn về quyền của người lao động”.
Tuy nhiên, Inamori Kazuo lúc đó có suy nghĩ: “Cứ ngồi than thở cũng không ích gì. Ta cứ dồn sức vào công việc xem sao”. Và từ đó, ông mê mải với công việc nghiên cứu vật liệu gốm sứ. “Thật là thú vị, tôi bắt đầu đạt được kết quả nghiên cứu khá tốt”, Inamori Kazuo kể lại, “Khi dồn công sức vào việc nghiên cứu và bắt đầu đạt được một số thành quả, tôi dần dần cảm thấy lĩnh vực này thú vị hơn.
Cảm giác ấy đã khiến tôi càng dành nhiều tâm sức cho công việc nghiên cứu. Thế là tôi lại gặt hái thêm thành quả. Cứ như vậy sau khoảng một năm, tôi đã trở thành người đầu tiên nghiên cứu thành công công nghệ mới về vật liệu cách điện tần số cao tại Nhật”.
Khi biết yêu thích công việc, chúng ta sẽ vượt qua khó khăn. Inamori Kazuo lúc đó mang cả xoong nồi từ ký túc xá nơi đang ở tới phòng nghiên cứu, và bắt đầu vừa sinh hoạt vừa làm thí nghiệm tại đó. “Nhưng tôi không hề cảm thấy có chút cực khổ nào mà ngược lại, tôi còn thấy vô cùng vui vẻ”, vị doanh nhân kể.
Ông thuật lại trong “Triết lý kinh doanh của Kyocera”: “Ngay cả khi đã thành lập Kyocera, tôi vẫn làm việc từ sáng sớm đến tối muộn. Hàng xóm hỏi vợ tôi: “Chồng chị mấy giờ mới về tới nhà?” Cha mẹ tôi ở quê thì thường xuyên viết thư bày tỏ sự lo lắng: “Làm việc nhiều như thế thì chẳng mấy chốc sẽ gục mất đấy”. Người ngoài nhìn vào sẽ nghĩ tôi thật vất vả, nhưng bản thân tôi làm vì yêu thích nên tôi không hề cảm thấy cực khổ hay mệt mỏi.
Hơn nữa, như người ta vẫn nói “thích gì sẽ giỏi nấy”, sự yêu thích sẽ giúp con người tiến bộ trong mọi việc. “Tôi nghĩ có lẽ sự sự yêu thích công việc là yếu tố quan trọng nhất để có thể làm nên những điều to lớn”, doanh nhân Inamori Kazuo kết luận.
Inamori Kazuo là doanh nhân “đại thụ” của Nhật Bản, được xếp vào danh sách những doanh nhân tài ba nhất Nhật Bản sau thế chiến 2, ngang hàng với các nhà sáng lập tập đoàn Sony và Honda. Không chỉ tự gây dựng 2 đế chế tỷ đô là công ty gốm sứ Kyocera và tập đoàn viễn thông KDDI, ông còn chính là người đã vực dậy hãng hàng không Nhật Bản (JAL) từ trên bờ vực phá sản.
“Triết lý kinh doanh của Kyocera” là hồi ký của Inamori Kazuo, ghi chép lại trải nghiệm lập nghiệp của ông. Không chỉ đề cập đến tư duy kinh doanh và quản trị, những chia sẻ tận tình, chân thành của Inamori Kazuo trong cuốn sách còn rất đáng suy ngẫm đối với bất cứ ai muốn thành công trên con đường sự nghiệp.
Theo Thaihabooks
Trang kiến thức chuyên biệt về Doanh Nhân, Kinh Doanh, Khởi Nghiệp, Làm Giàu, Tài Chính
Bạn có phải là người quan trọng trong công ty? Đạt đến 4 “cảnh giới” – 4 phẩm chất quý báu này để không bao giờ lo thất nghiệp dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào.