Tây Sở Bá vương Hạng Vũ dù có là danh tướng tài giỏi bậc nhất trong lịch sử Trung Quốc nhưng cuối cùng vẫn bị một nhân vật “tầm thường” là Lưu Bang<
Tây Sở Bá vương Hạng Vũ dù có là danh tướng tài giỏi bậc nhất trong lịch sử Trung Quốc nhưng cuối cùng vẫn bị một nhân vật “tầm thường” là Lưu Bang đả bại. Sự khác biệt nằm ở tầm nhìn, bởi khi không biết mình, khó mà thấu được thế thời.
Năm 195 TCN, trên trường kỷ rồng ở Trường Lạc Cung, Lưu Bang đang hấp hối. Lữ Hậu nhẹ giọng hỏi về việc sắp xếp nhân sự trong triều sau khi ông qua đời: “Sau khi Tiêu Tướng Quốc qua đời, ai sẽ là người tiếp quản?”
Lưu Bang nói: “Tào Tham”
Lữ Hậu hỏi: “ Sau Tào Tham sẽ là ai?”
Lưu Bang suy nghĩ một lúc rồi nói: “Vương Lăng có thể tiếp quản sau Tào Tham, nhưng Vương Lăng không đủ trí và mưu, có thể để Trần Bình phò tá. Trần Bình tuy có mưu trí nhưng lại không thể quyết được đại sự. Chu Bột tuy không giỏi ăn nói nhưng lại là người trung hậu. Sau này, người có thể an định giang sơn Lưu thị ắt là Chu Bột, để Chu Bột làm Thái úy đi!”
Một lời, Lưu Bang đã sắp xếp đâu ra đó chuyện trong triều sau khi mình ra đi.
Xuất thân nông nhân nhưng Lưu Bang lại mở ra triều đại nhà Hán trường tồn suốt 400 năm. Sở dĩ Lưu Bang có thể lên ngôi Hoàng đế, đó là bởi ông: Biết mình, biết người, hiểu thấu thời thế.
Tầm nhìn tạo nên kỳ tích: Biết mình
Năm 202 TCN, sau khi Lưu Bang xưng đế, ông đã chiêu đãi các quan đại thần của mình tại cung điện phía nam ở thành Lạc Dương. Trong bữa tiệc, mọi người ai nấy đều vui mừng nâng chén. Lưu Bang hỏi các quan đại thần: “Tại sao ta có thể đoạt được thiên hạ? Tại sao Hạng Vũ lại mất thiên hạ?”
Các quan đại thần mỗi người một ý. Sau cùng, chính Lưu Bang đã nói: “Ta không bằng Trương Lương về mưu lược, an bang định quốc không bằng Tiêu Hà, việc quân sự cũng không bằng Hàn Tín. Nhưng ta biết ai giỏi trong lĩnh vực gì và để họ phát huy hết thế mạnh của mình. Đó là lý do tại sao ta có thể giành được thiên hạ!”
Sự hiểu biết sâu sắc về chính bản thân là điều khiến Lưu Bang tạo ra kỳ tích.
Bậc tài trí hiểu rằng, kẻ thù duy nhất trong cuộc đời không ai khác chính là bạn. Những người có tầm nhìn lớn luôn đấu tranh để chống lại những điểm yếu của chính họ.
Trong “Sử ký”, Tư Mã Thiên nhận xét về Lưu Bang là người “hảo tửu cập sắc”, nghĩa là thích rượu và gái. Nhưng một người như vậy lại thể hiện một diện mạo hoàn toàn khác khi tân công Hàm Dương.
Cụ thể, năm 206 TCN, Lưu Bang dẫn quân vào Hàm Dương. Cảnh tượng xoa hoa trước mắt khiến Lưu Bang mê mẩn. Cung Hàm Dương năm bậc một lầu, mười bậc một gian, trong cung đầy rẫy vàng bạc châu báu, hậu cung mỹ nữ nhiều vô số kể. Lưu Bang vốn là người khá buông thả, trước sự cám dỗ đó ông không làm chủ được bản thân mình.
Nhưng theo lời đề nghị của Phàn Khoái và Trương Lương, Lưu Bang đã dẹp yên nội tâm của mình. Vàng ngọc trong đại sảnh không được lấy, ba ngàn mỹ nữ không được động đến, đồng thời phải lập ba chương điều luật với thiên hạ.
Sau này, khi đoàn quân trở lại, người dân khắp kinh thành đều tràn ra nghênh đón.
Thế mới nói, không quản được mình thì làm sao lấy được thiên hạ. Từ xưa đến nay, những người thực sự có tầm nhìn lớn thường có khả năng kiểm soát những thiếu sót của bản thân.
Lưu Bang sinh ra trong gia đình nhà nông, trước giờ thờ ơ với giới Nho sinh, nhưng ông lại biết tự soi xét và sửa mình. Khi học giỏi Nho học – Lê Thực Cơ đến thăm, Lưu Bang dạng chân ra và rửa chân với thái độ hằn học ra mặt. Nhưng khi thấy tài năng phi thường của Lê Thực Cơ, ông ngay lập tức dừng việc rửa chân, sửa sang quần áo mờ Lê Thực Cơ tới ngồi ở một vị trí tôn nghiêm.
Trong cuốn “Triết nhân ngôn hành lục”, có người hỏi triết gia Thales, điều gì là khó nhất? Ông trả lời vỏn vẹn 2 từ: “Biết mình”.
Khi một người muốn tìm kiếm điều gì đó từ bên ngoài, trước tiên anh ta phải nhìn nhận bên trong mình đã. Trời rộng đất dài, mọi hành trình đều bắt đầu từ những bước chân đầu tiên. Nếu ngay cả nội tâm của mình còn không hiểu thấu thì làm sao có được tầm nhìn lớn ở bên ngoài!
Tầm nhìn tạo nên kỳ tích: Biết người
Trần Thọ – Tác giả của cuốn “Tam Quốc chí” từng bàn về nguyên nhân Lưu Bang có thể đoạt được thiên hạ. Một trong những nguyên nhân chính là bởi Lưu Bang biết thu nạp anh hùng trong thiên hạ.
Xã hội giống như một mạng lưới rộng lớn, mỗi người đều là một nút thắt trên mạng lưới này. Làm thế nào để xử lý mối liên kết với những người khác là một vấn đề lớn. Còn Lưu Bang lại rất giỏi trong chuyện này, nên có được cả thiên hạ.
Sau khi Hàn Tín công phá nước Tề, đã viết thư mong được phong làm “Giả vương nước Tề”, tức là tạm thời thay thế vua nước Tề. Sau khi đọc xong thư Lưu Bang vô cùng tức giận.
Ông cho rằng Hàn Tín muốn nhân cơ hội này uy hiếp mình và định mắng mỏ Hàn Tín trước mặt nhiều người. Thế nhưng, Lưu Bang đã nhịn cơn giận xuống. Thậm chí, ông còn nói rằng Hàn Tín có thể làm vua nước Tề thật, không phải là làm vua Tề giả.
Bởi Lưu Bang hiểu rằng, thiên hạ náo nhiệt, suy cho cùng con người ta đến với nhau tất cả cũng đều vì lợi ích. Hàn Tín sẽ không sẵn sàng chiến đấu nếu không được thăng quan tiến chức.
Tăng Quốc Phiên cũng từng nói “Lợi ích có thể được chia sẻ nhưng không độc lập, lợi ích độc lập sẽ dẫn đến thất bại”.
Người có tầm nhìn hạn hẹp sẽ chỉ quan tâm đến lợi ích của bản thân. Trong khi đó, người mưu việc lớn có thể hiểu được nhu cầu của người khác.
Vào đầu giai đoạn nổi dậy của Lưu Bang, Ung Xỉ – người huyện với Lưu Bang đã đi theo ông. Tuy nhiên, Ung Xỉ trước giờ luôn coi thường Lưu Bang. Tranh thủ lúc Lưu Bang đang dẫn quân đi đánh trận bên ngoài, Ung Xỉ đã cống Phong áp đầu để đầu quân cho Ngụy.
Chính vì thế, Lưu Bang vô cùng căm ghét ông ta. Khi thiên hạ bình định, vào lúc luận công ban thưởng không như nhiều người nghĩ Lưu Bang sẽ giết Ung Xỉ để trút hận. Ngược lại, ông phong Ung Xỉ lên hàng đầu.
Mục đích chính là để xoa dịu các tướng sĩ và để chứng minh rằng ông không phải kiểu người “được chim bẻ ná, được cá quẳng nôm”, đạt được mục đích rồi sẽ thẳng tay loại bỏ người mình ghét.
Sự độ lượng của Lưu Bang đã khiến Ung Xỉ vô cùng cảm động. Đồng thời, hành động đó cũng khiến tất cả các quan đại thần và tướng lĩnh nguyện thề sống chết với Lưu Bang.
Không biết người khó mà dùng được người. Không biết dùng người khó mà nên nghiệp lớn. Nói tóm lại, tâm của một người rộng lớn đến đâu, “dung” được bao nhiêu người, thành công sẽ lớn tới đó.
Tầm nhìn tạo nên kỳ tích: Biết thiên hạ
Thiên hạ là một bàn cờ, Lưu Bang và Hạng Vũ chính là người trực tiếp tham gia. Mưu của Hạng Vũ là sự được mất, là từng thành trì từng miếng đất. Còn cái quyết đoán của Lưu Bang lại là núi sông vạn dặm.
Sau khi Hạng Vũ dẫn quân đánh chiếm Hàm Dương, các mưu sĩ đã thuyết phục ông xưng vương Quan Trung để hoạch định đại sự đoạt cả thiên hạ. Thế nhưng, Hạng Vũ lại có ý định về quên nên đáp: “Phú quý mà không về quê, chẳng khác nào mặc áo gấm mà đi đêm”. Chỉ chăm chăm hưởng thụ danh lợi trước mắt, Hạng Vũ đã bỏ lỡ cơ hội nắm bắt Quan Trung, kiểm soát các chư hầu.
Trong cuộc vây hãm Cai Hạ, tuy chỉ còn lại 28 kỵ binh, gần như toàn bộ quân số đã bị quét sạch. Nhưng ở Giang Đông vẫn còn hàng trăm vạn binh lính, cơ hội vẫn còn. Thế nhưng, Hạng Vũ Lại không vượt qua trở ngại này. Trong lòng luôn canh cánh về thất bại này, sau cùng khiến sự nghiệp vĩ đại bị chôn vùi.
Ở đời, những người có tầm nhìn hạn hẹp chỉ tập trung vào thất bại nhất thời mà bỏ qua thời cơ lớn để giành chiến thắng cuối cùng.
Khác với Hạng Vũ, Lưu Bang không quan tâm đến những thăng trầm nhất thời. Suy nghĩ và tầm nhìn của Lưu Bang chỉ đặt ở tình hình chung. Sau đại tiệc Hồng Môn, Lưu Bang được phong là Hán Vương, tuy bất lực và đau khổ nhưng ông rất biết cách xét đoán tình hình.
Trên đường đến lãnh thổ Tứ Xuyên, ông đã dứt khoát ra lệnh cho thuộc hạ của mình đốt hủy con đường bằng ván qua núi hiểm trở. Khiến cho Hạng Vũ nghĩ rằng ông không có ý định bành trướng về phía đông.
Nhưng sau đó, Lưu Bang lại âm thầm chuẩn bị công tác chiến đấu, nghỉ ngơi dưỡng sức, đánh lạc hướng khiến đối phương không đề phòng. Đây là hành động mở đầu cho con đường lập nên vương triều nhà Hán.
Trong trận chiến Bành Thành, 540.000 quân đồng minh của Lưu Bang đã bị đánh bại bởi 30.000 binh lính của Hạng Vũ, quân lính tháo chạy tán loạn. Lưu Bang chơi lớn, lấy mảnh đất phía đông Hàm Cốc quan làm phần thưởng, mục đích là để tìm kiếm một người có thể hợp tác với mình để chinh phục thiên hạ.
Sau đó, Hàn Tín, Bành Việt và Anh Bố tới giúp sức, ba người dẫn hàng trăm vạn quân đến đọ sức với Hạng Vũ. Sau cùng, Lưu Bang đã thắng được cả thiên hạ nhờ đánh cược một nửa thiên hạ của mình.
Mắt nhìn tới đâu thành công sẽ tới đó. Chỉ những người thực sự vĩ đại mới có thể làm nên điều vĩ đại. Những người có tầm nhìn xa thường mưu toàn cục, không tham lam lợi ích nhất thời.
Sự khác biệt giữa Lưu Bang và Hạng Vũ nằm ở sự khác biệt về tầm nhìn. Lưu Bang có thể phân tích bản thân, thấu hiểu người khác và hoạch định những việc lâu dài, đó là điều mà Hạng Vũ không có được. Và chính ba điều này giúp Lưu Bang từ một nhân vật nhỏ sau cùng lại có được cả thiên hạ.
Tham khảo: Trí thức trẻ, sống đẹp
Trang kiến thức chuyên biệt về Doanh Nhân, Kinh Doanh, Khởi Nghiệp, Làm Giàu, Tài Chính
Tây Sở Bá vương Hạng Vũ dù có là danh tướng tài giỏi bậc nhất trong lịch sử Trung Quốc nhưng cuối cùng vẫn bị một nhân vật “tầm thường” là Lưu Bang<