Trên con đường xây dựng sự nghiệp thành công như ngày nay, ông Vua cà phê Trung Nguyên Đặng Lê Nguyên Vũ cũng không tránh khỏi những thất bại. Cách mà ông chiêm nghiệm về thất bại khiến
Trên con đường xây dựng sự nghiệp thành công như ngày nay, ông Vua cà phê Trung Nguyên Đặng Lê Nguyên Vũ cũng không tránh khỏi những thất bại. Cách mà ông chiêm nghiệm về thất bại khiến nhiều người phải ngẫm lại về những giá trị của cuộc sống.
Quá trình xây dựng đế chế Trung Nguyên cũng như con đường đi đến danh hiệu Vua cà phê Việt Nam của ông Đặng Lê Nguyên Vũ luôn là câu chuyện truyền cảm hứng với công chúng.
Lập nghiệp từ hai bàn tay trắng, con đường xây dựng thương hiệu tập đoàn Trung Nguyên gặp không ít khó khăn. Tuy vậy, ký ức lần thất bại ê chề luôn được ông Vũ nhắc lại như một việc ghi lòng tạc dạ.
Câu chuyện về sự thất bại thuở lập nghiệp của Đặng Lê Nguyên Vũ được ông chia sẻ lại với nội dung: Thất bại ê chề và Tình bạn vô giá!
“Làm ăn thời buổi bấy giờ không ai ngồi đợi “hữu xạ tự nhiên hương”. Phải năng động chạy đôn chạy đáo tiếp thị cho người ta biết mình, tin mình và làm ăn với mình. Khi còn đi vay cà phê để rang, chúng tôi đã dám bỏ tiền ra đăng ký tham gia một hội chợ ở thành phố Nha Trang.
Tôi nghĩ không đâu có thể biết nhanh và lan tỏa thông tin tốt hơn cái chợ, dù dưới hình thức nào. Bao nhiêu tiền lời chúng tôi làm ăn được đều đập hết cho cú tiếp thị hoành tráng đầu đời này.
Sau đó lại tiếp tục đi vay mượn cà phê. Tài sản đáng giá nhất của hãng là cái xe đạp cuốc mà hàng ngày chúng tôi thay phiên nhau đạp xe đi bỏ mối cà phê.
Đã có những thời điểm mà chúng tôi bế tắc về suy nghĩ, về phương thức kinh doanh vì không bán được cà phê.
Không chỉ tham gia các đợt hội hè như vậy, hễ có cơ hội là chúng tôi tìm cách giới thiệu cà phê của mình. Năm 1995, nghe phong thanh Thủ tướng Võ Văn Kiệt về thăm và làm việc với tỉnh Đắk Lắk, tôi bật ngay ra ý nghĩ: phải giới thiệu cho được cà phê Trung Nguyên của mình với Thủ tướng. Nhưng tiếp cận với Thủ tướng để tặng bịch cà phê là không tưởng.
Tôi chuẩn bị “quà tặng” của mình rất kỹ nhưng lần nào mon men tiếp cận cũng bị bật ra bởi hàng rào cảnh vệ. Không bỏ cuộc, tôi chuyển sang…tặng những gói quà cà phê này cho các anh cảnh vệ, với lời nhắn “quà của nhóm sinh viên Đại học Tây Nguyên gửi tặng Thủ tướng”.
Sau này có dịp ngồi tiếp chuyện với bác Sáu Dân (Nguyên Thủ Tướng Võ Văn Kiệt), tôi nhắc lại kỷ niệm đó và hỏi là bác có nhận được quà không, ông chỉ cười. Tôi không biết món quà đó có tới tay Thủ tướng không nhưng tôi biết mình đã làm được một việc chấn động đối với chính cá nhân mình lúc đó: dám nghĩ, dám làm, tự đè bẹp được cái nhút nhát thông thường và không dè dặt trước cơ hội.
Chúng tôi đã tìm được một đối tác ở Long Xuyên và đã thuyết phục họ cùng hợp tác với chúng tôi mở lò rang xay chế biến cà phê, phân phối cà phê tại Miền Tây. Nhưng chỉ sau một vài tháng, chúng tôi thất bại hoàn toàn, mối liên kết và đồng thuận về tư tưởng hành động với đối tác bị phá vỡ.
Tôi còn nhớ rất rõ cảm giác thất bại ê chề của đoàn quân chúng tôi khi lục tục cuốn gói với đồ dùng và lò quay cà phê tay cũ kỹ, là ly tách, là phin muỗng cà phê, là mấy bịch cà phê đi về Sài Gòn mà trong lòng ai cũng nặng trĩu không một tiếng nói, mỗi người một ý nghĩ khác nhau, mông lung và hoang mang. Cảm giác còn mang nặng sự giằng co về tư tưởng giữa sự dứt khoát và không dứt khoát với đối tác.
Riêng tôi lúc đó thì suy nghĩ rất rõ ràng: thà dứt khoát còn hơn vẫn cứ tiếp tục hợp tác trong sự khó khăn, toan tính đối phó với nội bộ thì đâu còn sức lực để bươn chải, để chiến đấu ngoài thị trường.
Sự thất bại trong việc hợp tác đầu tiên này làm tôi rút ra được một kinh nghiệm: khi hợp tác thì phải đồng thuận về tư tưởng, phải chia sẻ được những suy nghĩ, phương thức kinh doanh và điều quan trọng nhất là phải chọn đúng đối tác.
Chuyến đi thu gom đồ dùng vật dụng từ Long Xuyên về Sài Gòn do một người bạn của chúng tôi làm. Sau khi dọn hết đồ ở Long Xuyên người bạn này chạy chiếc Honda Dame đón tôi và người bạn nữa.
Chiếc xe thì nhỏ mà chở ba người nên chạy trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa thì bị công an thổi còi, phải chạy lạng lách lòng vòng và tôi còn nhớ khi chạy đến Công viên Bách Tùng Diệp bấy giờ (Ngã ba Nam Kỳ Khởi Nghĩa – Lý Tự Trọng, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh) thì chiếc xe không chịu nổi nên gãy làm đôi.
Tối hôm đó, ba chúng tôi ngồi nghỉ dưới gốc cây đa to ở công viên với chiếc xe gãy làm đôi và sự thất bại ê chề ở Long Xuyên nhưng lúc đó, chúng tôi lại nói chuyện về những ước mơ của mỗi người, về những mong ước của cái hãng cà phê bé nhỏ của chúng tôi.
Thất bại ở Long Xuyên làm chúng tôi cạn kiệt hoàn toàn về vốn liếng, công việc kinh doanh cà phê ở Buôn Ma Thuột cũng gặp nhiều bế tắc, chúng tôi không bán được cà phê, công việc kinh doanh chỉ cầm cự tính được từng ngày. Câu hỏi đặt ra thôi thúc chúng tôi là vốn liếng đâu để tiếp tục duy trì.
Lúc đó, chúng tôi có một người bạn đi làm đã được ba năm và dành dụm được trong suốt thời gian đó để mua một chiếc xe Dream trị giá khoảng gần 30 triệu. Tại thời điểm đó thì chiếc xe là cả một tài sản rất lớn của bản thân và gia đình. Chúng tôi suy nghĩ và quyết định ngỏ ý muốn mượn chiếc xe mang đi bán làm vốn kinh doanh.
Chúng tôi đặt vấn đề với người bạn một cách chân phương: nếu đã cho mượn thì coi như đã mất và nếu thành công thì chúng tôi trả lại. Người bạn đã về suy nghĩ và quyết định cho chúng tôi mượn xe đem đi bán.
Bây giờ tôi có đủ sức mua cả ngàn chiếc xe Dream nhưng vẫn không có chiếc xe nào quý giá bằng chiếc xe máy tình bạn của chúng tôi ngày đó cộng với sự phiêu lưu của tuổi trẻ. Giá trị vô giá của tình bạn là ở những thời điểm khó khăn nhất có những người bạn đã chia sẻ, sát cánh cùng chúng tôi bắt đầu việc tiếp tục gây dựng Hãng cà phê Trung Nguyên.”
Câu chuyện về những bước đi của Trung Nguyên từ lâu đã trở thành nguồn cảm hứng cho những người muốn lập nghiệp. Những thất bại, những bài học chứa đầy triết lý của ông Vũ dường như chạm vào tâm tư của những người đang đặt từng bước đầu trên con đường sự nghiệp của mình.
Thuở lập nghiệp, ông Vũ cùng nhóm bạn của mình đi hết từ khó khăn này đến khó khăn khắc, hợp tác thất bại, rỗng túi, lâm vào con đường bế tắc. Đã có những lúc sự nghiệp của Trung Nguyên đánh cược vào một chiếc xe Dream trị giá khoảng gần 30 triệu.
Đó chính là của cải dành dụm của một người bạn, trong lúc khó khăn đã cho ông Vũ mượn. Sau này khi thành công, ông Vũ xem chiếc xe Dream này là chiếc xe quý giá nhất, là biểu tượng cho tình bạn cùng với sự phiêu lưu của tuổi trẻ.
Theo Người đưa tin
Năm 1996, Hãng cà phê Trung Nguyên chính thức ra đời chỉ với một cửa hàng hơn chục mét vuông tại 170 Nguyễn Chí Thanh (nay là 268 Nguyễn Tất Thành), Tp. Buôn Ma Thuột. Đó là thành quả của bao nỗ lực, ý chí, khát vọng khởi nghiệp của chàng thanh niên Đặng Lê Nguyên Vũ, là mồ hôi nước mắt của cha mẹ đã phải bán hai căn nhà ở M’Drak và hai công đất để lên Buôn Ma Thuột hỗ trợ con trai, là sự đồng hành của những người bạn đồng cam cộng khổ..
Sự khác biệt so với các cửa hàng bán cà phê thời bấy giờ chính là cái tên “Hãng cà phê Trung Nguyên” đã bị không ít người mỉa mai. Nhưng cũng chính nhờ khát vọng lớn, tầm nhìn vượt thường mà giờ đây sau 23 năm, Hãng cà phê Trung Nguyên nhỏ bé ngày nào đã trở thành một tập đoàn cà phê số 1, là đại sứ truyền cảm hứng cho thế hệ thanh niên Việt Nam.
Trang kiến thức chuyên biệt về Doanh Nhân, Kinh Doanh, Khởi Nghiệp, Làm Giàu, Tài Chính
Trên con đường xây dựng sự nghiệp thành công như ngày nay, ông Vua cà phê Trung Nguyên Đặng Lê Nguyên Vũ cũng không tránh khỏi những thất bại. Cách mà ông chiêm nghiệm về thất bại khiến