Thi đại học 3 lần vẫn trượt, Bầu Đức đã khởi nghiệp thành công bằng cách nào? – Ngã ở đâu tôi đứng lên ở đó!

Posted by

Khát vọng của bầu Đức là gì? Ông muốn có tên trong danh sách tỷ phú thế giới chứ không còn đơn thuần là

Khát vọng của bầu Đức là gì? Ông muốn có tên trong danh sách tỷ phú thế giới chứ không còn đơn thuần là người giàu Việt Nam. “Tất nhiên, ước mơ chỉ là ước mơ, tôi tin rằng, tất cả những doanh nhân tâm huyết làm giàu đều mong muốn và phấn đấu vì điều này. Đây không còn là danh dự cá nhân mà còn là niềm tự hào dân tộc”, ông chia sẻ với Vnexpress.

30 năm lăn lộn trên thương trường là những ngày dài khởi nghiệp của ông Đoàn Nguyên Đức. Bầu Đức khởi nghiệp với nghề gỗ, đi qua thủy điện, khoáng sản, bất động sản, hiện tại ông tập trung vào nông nghiệp và kinh qua đủ loại giống cây trồng cho tới chăn nuôi. Thành công lớn nhất trong cuộc đời của ông đến nay có lẽ chính là bóng đá.

Cách đây hơn chục năm, không phải ông Phạm Nhật Vượng mà ông Đoàn Nguyên Đức – Chủ tịch tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai mới là người giàu nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam. Ông Đoàn Nguyên Đức, hay thường được gọi là bầu Đức, cũng là một trong những doanh nhân đầu tiên ở Việt Nam mua máy bay riêng để phục vụ cho công việc.

Đoàn Nguyên Đức (thường được gọi là Bầu Đức) là một doanh nhân hết sức thú vị trên thương trường Việt Nam. Thành công lớn nhất trong cuộc đời của ông đến nay có lẽ là bóng đá. Thất bại lớn nhất của ông lại đến từ thứ mà ông hy vọng nhờ nó có thể ‘đổi đời’ cho Hoàng Anh Gia Lai lẫn Tỉnh Gia Lai – cây cao su.

Khác với nhiều doanh nhân giàu có và kín tiếng ở Việt Nam, Bầu Đức là một người hết sức dung dị và thân thiện. Tính cách hào sảng đặc trưng của người con Tây Nguyên nắng gió với gốc gác Bình Định thể hiện rõ trong cuộc đời lẫn sự nghiệp của ông: khi đã quyết định đầu tư vào cái gì ông đều ‘tất tay’.

Với Bầu Đức, không bao giờ có sự nửa vời, hết tiền thì ông đi vay làm tới cùng. Cũng với cá tính kinh doanh này mà sự nghiệp của doanh nhân phố núi đã có lúc ở đỉnh cao, nhưng cũng lắm khi lao đao trước vực thẳm. Khi thành công thì vui mừng, gặp thất bại thì chấp nhận.

KHỞI NGHIỆP VỚI NGHỀ MỘC SAU 3 LẦN TRƯỢT ĐẠI HỌC

Bầu Đức sinh năm 1962 tại Nhơn Mỹ, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định trong một gia đình làm nông có 9 anh chị em, ông là con thứ 3 trong gia đình. Năm ông 3 tuổi, cả gia đình ông lên định cư ở An Phú – Pleiku – Gia Lai. Lớn lên, Bầu Đức cùng anh chị em gánh vác bớt công việc lao động đồng áng cho gia đình, như chăn trâu – cày bừa – làm cỏ.

Sau khi tốt nghiệp lớn 12 ở năm 1982, Bầu Đức đã ‘khăn gói quả mướp’ vào TP. HCM để thi Đại học. Tuy nhiên, không hiểu vì sao, ông thi 3 lần đều không đậu nên quay trở lại Gia Lai để làm lao động chân tay, tiếp tục phụ giúp gia đình nuôi em út.

Sau những cú sốc, đau và thừa nhận mình dốt, tôi đã ngửa mặt lên trời và tự nói với bản thân rằng ngã ở đâu tôi sẽ đứng lên ở đó. Con đường học vấn không mỉm cười với mình thì nên chọn con đường khác. Mọi con sông đều dẫn ra biển lớn, mọi con đường đều chia ra những lối rẽ riêng“, Bầu Đức hồi tưởng.

Sau một thời gian làm thuê ở Gia Lai, Bầu Đức tích góp được một khoản tiền đủ để ông mở một phân xưởng nhỏ chuyên đóng bàn ghế cho học sinh tại quê nhà. Đó là vào năm 1990, ông tự tay cưa, bào đục đẽo để làm ra sản phẩm đầu tiên là chiếc bàn cho học sinh.

Trong khoảng năm 1991, tình cờ Bầu Đức gặp một chuyên gia người Đài Loan đi tìm hiểu thị trường đầu tư kinh doanh mặt hàng gỗ ở Gia Lai và người đó muốn hợp tác đầu tư liên doanh. Phía Đài Loan sẽ cung cấp máy móc, thiết bị và hướng dẫn kỹ thuật, còn bầu Đức chịu trách nhiệm làm ra sản phẩm gỗ, quản lý lao động sản xuất. Năm 1992, xí nghiệp tư doanh Hoàng Anh Pleiku ra đời với hoạt động kinh doanh chế biến xuất khẩu các sản phẩm từ gỗ.

Sau bốn năm hợp tác làm ăn với Đài Loan, Bầu Đức đã trả lại hết nợ và toàn quyền quản lý khối tài sản máy móc thiết bị nhà máy. Trên nền tảng đó, Bầu Đức mở rộng thị trường tiêu thụ thông qua việc tham gia các hội chợ trưng bày, giới thiệu sản phẩm ở nước ngoài. Năm 1995, sản phẩm gỗ của Hoàng Anh Pleiku được xuất khẩu sang nhiều nước lớn trên thế giới như Anh, Mỹ, Úc, Đức, Pháp….

Thừa thắng xông lên, bắt đầu từ năm 2000, từ lĩnh vực chế biến gỗ và sản phẩm gỗ nội thất, Hoàng Anh Gia Lai bắt đầu mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh sang các lĩnh vực khác như đá granit, chế biến mủ cao su, sản xuất bao bì, đầu tư kinh doanh khách sạn – khu du lịch, bất động sản. Ngoài ra, doanh nghiệp của ông còn chính thức đổi tên thành Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai.

Sau khi đổi tên và hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau, cái tên Hoàng Anh Gia Lai bắt đầu bành trướng ra khỏi Gia Lai, trải dài trên cả nước và mở rộng ra nhiều nước Đông Nam Á. Hoàng Anh Gia Lai đã đạt được giải thưởng Sao Đỏ năm 1999, hàng Việt Nam chất lượng cao 2003, Sao Vàng Đất Việt 2004…

Năm 2008, Hoàng Anh Gia Lai niêm yết chứng khoán tại tại Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HoSE) với mã HAG. Ông Đức trở thành người giàu nhất nhì sàn chứng khoán Việt 2 năm liên tiếp 2008-2009.

Trong năm 2012, trong một bài phỏng vấn với báo giới, Bầu Đức đã cho rằng: “Đừng bao giờ ngộ nhận học đại học là có tất cả. Thông tin tôi không có bằng đại học là đúng, nhưng người ta tưởng tôi không học là hiểu lầm. Ở trường đại học, các bạn chỉ có 5 năm còn tụi tôi học trường đời tới 35 năm rồi.

Đại học không phải là tất cả, không phải có bằng đại học mới làm được việc lớn. Đại học chỉ là kiến thức nền, kiến thức cơ bản, nó có ý nghĩa với thầy giáo, giáo sư, nhà khoa học, bác sĩ… còn trong kinh doanh thì hoàn toàn không lệ thuộc“.

Lúc đó, Bầu Đức chia sẻ: trong tay ông hiện tại không dưới 6.000 nhân viên có bằng đại học, thậm chí trong tương lai, con số này lên tới 10.000 người (đã tốt nghiệp nông lâm, tài chính, vi sinh,…) nhưng trong số đó có rất nhiều người không làm được việc, không phải ai cũng thành đạt. Bên cạnh đó, có những người không bằng đại học vẫn giữ những vị trí rất quan trọng, chủ chốt trong tập đoàn.

Thập niên 2000 là thời đại hoàng kim của Hoàng Anh Gia Lai, gắn liền với sự phát triển của mảng bất động sản. Trong gần 10 năm liên tiếp, chính bất động sản đã giúp HAGL trở thành tập đoàn kinh tế có tốc độ phát triển tài sản nhanh nhất Việt Nam năm 2010 và nhanh thứ hai năm 2011, giá trị xấp xỉ 1,5 tỷ USD. Lúc đó, các dự án cao cấp của Hoàng Anh Gia Lai xuất hiện dày đặc ở các ‘điểm nóng’ của thị trường bất động sản từ Đà Nẵng trở vào nam.

Một thập kỷ vay nợ của Hoàng Anh Gia Lai

Giai đoạn 2006 – 2008, tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) của Bầu Đức kiếm được nguồn lợi nhuận khổng lồ từ việc kinh doanh bất động sản, giúp ông “nắm trùm” trong thị trường này.

Năm 2008, bất động sản cùng với gỗ và thủy điện là 3 mảng kiếm tiền của HAGL giúp ông Đức nắm trong tay khối cổ phiếu trị giá lên đến gần 6.160 tỷ đồng, bỏ xa người thứ hai trong danh sách là ông Phạm Nhật Vượng với 5.225 tỷ đồng.

Nhưng bắt đầu từ năm 2010, thị trường nhà đất lao đao, ảnh hưởng đến lĩnh vực mũi nhọn của tập đoàn nên ông Đoàn Nguyên Đức bắt đầu rẽ hướng sang nông nghiệp.

Vào thời điểm này, HAGL giảm giá sốc các căn hộ của mình để nhanh chóng xử lý hết hàng tồn kho. Năm 2012, Bầu Đức đưa ra một quyết định làm thay đổi sự nghiệp của ông và cả tập đoàn sau này, đó là rút khỏi thị trường bất động sản Việt Nam để dồn lực tập trung vào nông nghiệp, đặc biệt là cây cao su.

Mười năm sau, người ta thấy bầu Đức, với nhiều nếp nhăn hơn, không còn nhắc đến cây cao su mà thay vào đó hào hứng chia sẻ về heo ăn chuối.

Bầu Đức đã làm nông nghiệp hơn 1 thập kỷ với đủ gian truân. Từ mía đường, cao su, bò, các loại trái cây như thanh long, sầu riêng, chuối và gần đây nhất là heo ăn chuối, nhiều người băn khoăn, không biết đây đã là bến đỗ mới đem tiền về cho bầu Đức chưa? Liệu heo và chuối có thể giúp giải quyết đến đâu câu chuyện nợ nần đã căng thẳng trong cả 1 thập kỷ qua của HAGL?

Còn nhớ, năm 2011 ông Đức nổi tiếng với tuyên bố” Bán nhà cũng phải trồng cao su“. Sở dĩ vậy vì lúc đó thị trường bất động sản đi vào thoái trào và gặp nhiều khó khăn trong khi giá cao su đang trên đỉnh, ở mức dao động từ 4.000 USD/tấn – 6.000 USD/tấn.

Thực tế, ông Đức chưa cần phải bán nhà, vì ông đã sử dụng đến nguồn vốn huy động từ ngân hàng. Nợ vay cuối năm 2011 của HAGL tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2010, tăng mạnh ở nợ vay trung dài hạn từ hơn 2.700 tỷ đồng lên tới gần 8.500 tỷ đồng.

Khi ấy, bầu Đức đã đầu tư trồng cao su một cách toàn diện về diện tích, công nghệ và nhân sự. HAGL trở thành doanh nghiệp Việt Nam duy nhất chi tiền để đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt cho cây cao su, được nhập khẩu từ Israel. Đường ống khủng này theo ông Đức chia sẻ là dài đến độ có thể quấn 3 vòng trái đất.

Về nhân sự, bầu Đức tăng cường cho tập đoàn một nhân sự chất lượng là ông Pornchai Lueang – A – Papong, Tiến sĩ Nông nghiệp người Thái Lan làm thành viên HĐQT độc lập. Theo chủ tịch tập đoàn, vị tiến sĩ này là một người rất am hiểu lĩnh vực cao su nên sẽ tư vấn cho HAGL phát triển mạnh mẽ hơn trong việc trồng cây.

Đến cuối năm 2012, HAGL đã trồng được 43.500 hecta, đạt 85% so với chỉ tiêu ban đầu. Được đầu tư và mang nhiều tâm huyết như vậy nhưng đến hết 2013, mảng cao su chỉ đóng góp 9% trong tổng doanh thu của HAGL và 14% trong tổng lãi gộp của cả tập đoàn.

Chưa kịp gặt hái thành công như kỳ vọng, sang năm 2014, HAGL bắt đầu lao đao vì giá cao su tuột dốc thê thảm, từ đỉnh gần 6.000 USD/tấn xuống còn khoảng 1.500 USD/tấn.

Tình thế khi đó càng làm lại càng lỗ. Cuối năm 2014, doanh thu từ cây cao su của HAGL chỉ đạt 226,7 tỷ đồng, thấp hơn cả năm 2013 và chỉ đạt 67% kế hoạch đề ra là 341 tỷ đồng. Lợi nhuận gộp đạt 102 tỷ đồng, thấp hơn nhiều so với năm trước, biên lợi nhuận gộp chỉ còn gần 45% so với 69% của năm 2013.

Tổng diện tích trồng cao su lên đến 42.500 hecta, nhưng tình thế bắt buộc tập đoàn đã đưa ra kế hoạch sụt giảm kết quả kinh doanh của năm 2015, đặc biệt là lợi nhuận gộp chỉ còn đóng góp 4% trong cơ cấu.

Cùng với cao su, mía đường mặc dù được ông Đức tự tin về lợi thế giá vốn, thậm chí ông còn tuyên bố thẳng thừng rằng sẽ bán đường với giá 13.000 đồng/kg, trong khi đường tại Việt Nam lúc đó rơi vào khoảng 16.000 đồng/kg nhưng cũng không đem lại lợi nhuận như kỳ vọng.

Hệ quả của sự khủng hoảng cao su và mía đường này là tài chính của HAGL gặp rất nhiều khó khăn khi hoạt động kinh doanh chính không hiệu quả, lại cõng gánh nặng dư nợ hơn 18.000 tỷ đồng vào cuối 2014.

Trong hoàn cảnh mất thanh khoản đó, bầu Đức và HAGL đã tìm được hướng đi mới, đó là nuôi bò. Trên thực tế, đúng là doanh thu năm 2015 đã tăng gấp đôi so với năm trước đó nhờ công chính của “đàn bò” nhưng hướng đi này về cơ bản không thể giải quyết vấn đề nợ nần.

Giai đoạn 2015 – 2016 là giai đoạn đỉnh cao dư nợ của HAGL, khi theo BCTC hợp nhất, tổng dư nợ vay ngắn hạn và trung hạn của tập đoàn lên đến hơn 27.000 tỷ đồng.

Kể từ BCTC năm 2015 bắt đầu xuất hiện những lưu ý của kiểm toán về việc vi phạm điều khoản của các khoản vay trái phiếu và có sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của Tập đoàn.

Ngoài những vi phạm những điều khoản của các khoản vay trái phiếu, BCTC các năm còn hé lộ những khoản nợ đến hạn (lãi, gốc) nhưng chưa được thanh toán của HAG tại thời điểm lập BCTC và kiểm toán.

Tại 30/06/2022, theo BCTC đã soát xét của kiểm toán, Tập đoàn chưa thanh toán nghĩa vụ đến hạn với tổng giá trị là 139 tỷ đồng với Eximbank và lãi vay phải trả đến hạn với trái phiếu BIDV trị giá 2.061 tỷ đồng. Số lãi vay quá hạn này so với thời điểm đầu năm đã tăng lên 482 tỷ đồng.

Tại thời điểm 30/06, HAGL đang dư nợ tổng cộng hơn 9.000 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là khoản dư nợ trái phiếu dài hạn trị giá 5.146 tỷ đồng của BIDV.

Mới đây, tại buổi ra mắt sản phẩm “Bapi – Heo ăn chuối HAGL” tổ chức tại TPHCM, ông Đoàn Nguyên Đức – Chủ tịch HĐQT Công ty CP HAGL thể hiện quyết tâm: “Tôi quyết tâm xóa hết để khỏi bị thị phi. Tôi là người rất có ý thức về nợ nần và sẽ trả hết nợ. Có thể nói không ai cảm nhận về nợ được như tôi, bởi tôi từng mắc nợ rất nhiều”.

Về lộ trình trả nợ, HAGL trước tiên sẽ thanh toán một phần nợ gốc trước hạn tại lô trái phiếu trị giá hơn 600 tỷ đồng. Thời gian dự kiến 10 ngày kể từ khi công bố vào ngày 22/9. Dòng tiền trả nợ lấy từ khoản thu nợ của Công ty HAGL Agrico (HNG) và nguồn tiền sản xuất kinh doanh.

Nếu trong 4 tháng cuối năm, HAG thu được hết khoản nợ từ HNG thì nợ ngân hàng sẽ giảm xuống dưới 6.000 tỷ đồng”, bầu Đức nói.

Ông Trần Bá Dương đã cứu Bầu Đức

Bầu Đức thừa nhận, ông Trần Bá Dương (Chủ tịch Thaco) là người đã cứu Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai khi nhờ ông Dương ôm khối nợ mà giờ công ty mới có thể thoát khỏi khó khăn.

“Chính anh Trần Bá Dương là người đã cứu Hoàng Anh Gia Lai, nhờ anh Dương ôm khối nợ mà công ty mới có thể thoát khỏi khó khăn”

Tại đại hội, trả lời câu hỏi của cổ đông về việc, Công ty Cổ phần Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico) sẽ trả thêm cho HAG bao nhiêu đến cuối năm, Bầu Đức cho biết, dự kiến đến tháng 12/2021, HAGL Agrico sẽ trả thêm khoảng 700 tỷ đồng cho HAG và công ty sẽ trả nợ cho Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV).

Theo Bầu Đức, sau khi chuyển HAGL Agrico cho ông Trần Bá Dương (Chủ tịch Thaco) quản lý thì công ty chỉ còn HAG, vì buộc phải tập trung vào HAG.

“Chính anh Trần Bá Dương là người đã cứu HAG, nhờ anh Dương ôm khối nợ mà HAG mới có thể thoát khỏi khó khăn. HAG giờ chỉ còn 4-5 công ty con nên rất gọn gàng và có thể đi rất nhanh”, Bầu Đức chia sẻ.

Theo Bầu Đức, HAGL Agrico hiện không còn hợp nhất với HAG mà hợp nhất với Thaco, hoạt động kinh doanh đã tách bạch rõ ràng. HAG đi theo con đường riêng nhưng cũng là con đường nông nghiệp trước kia ông đã chọn.

Hành trình “trồng người” cho bóng đá Việt

Ông Đoàn Nguyên Đức yêu bóng đá từ lúc còn bé khi chơi bóng ở vị trí tiền đạo. Tên gọi Bầu Đức chính tên gọi mà giới truyền thông thể thao thường dùng để gọi tên ông. Vốn là người mê bóng đá, ngay cả khi HAGL gặp khó khăn, thua lỗ, nợ nần, Bầu Đức vẫn tiếp tục chi tiền đầu tư cho bóng đá trẻ. 

Trong một lần trả lời với báo chí, Bầu Đức đã nói rằng, nguyên nhân quan trọng nhất tạo nên thành công của U23 Việt Nam nói chung và những cầu thủ từ Học viện Bóng đá HAGL nói riêng – là con người. 

Quay lại thời điểm năm 2001, khi đó Bầu Đức mua lại đội bóng hạng nhất Gia Lai và đổi tên thành Hoàng Anh Gia Lai. Với chiến lược vung tiền để đầu tư vào dàn cầu thủ chất lượng, đội bóng của ông liên tục lập ra những chiến công tại V-League. Vô địch 2 năm liên tiếp 2002 và 2003 tại giải đấu đứng đầu quốc gia, cùng với đó là nhiều thương vụ chuyển nhượng “bom tấn” của bóng đá.

Năm 2007, khi mà hàng loạt những ông bầu mới chập chững vào bóng đá, rập khuôn theo cách mà những ông bầu trước đó đã làm là “ném tiền ăn xổi” thì Bầu Đức lặn lội sang Arsenal để học hỏi một cách làm khác. Đó là “phát triển bóng đá bền vững” với lối chơi đẹp và tử tế.

Tháng 3/2007 đã đánh dấu mốc cho cách làm bóng đá trẻ tại Việt Nam, khi Bầu Đức động thổ xây dựng Học viện Bóng đá Hoàng Anh Gia Lai Arsenal – JMG trên khu đất 5 ha, khu đất mà trước đó đã trồng cao su đến tuổi thu hoạch.

Bầu Đức từng chia sẻ, ông cảm thấy hạnh phúc vì sau những bộn bề lo toan việc kinh doanh, bản thân còn có những chiều ngồi xem tụi nhỏ đá bóng.

Trong suốt 10 năm, mỗi năm Bầu Đức đã chi hàng chục tỷ đồng cho việc vận hành trung tâm đào tạo này, chưa kể các khoản chi bất thường cho các chuyến tập huấn dài ngày ở nước ngoài, nâng cao chất lượng tại Học viện, đội ngũ nhân sự quản lý. Nếu tính cả chi phí đầu tư xây dựng, số tiền mà Bầu Đức bỏ ra có thể lên tới hàng trăm tỷ đồng.

Ở giai đoạn khó khăn nhất vào năm 2016, khi HAGL bước vào đợt tái cơ cấu lần hai (lần đầu vào năm 2013), học viện bóng đá của HAGL nhận được lời đề nghị từ một đại gia muốn mua lại để tiếp quản và làm mới với giá hàng trăm tỷ đồng. Thời điểm này, công trình khu liên hợp Học viện bóng đá HAGL Arenal JMG được mang ra thế chấp cho khoản vay trị giá 603 tỷ đồng và chịu lãi suất 5,05 – 10,5%. Tuy nhiên, Bầu Đức quyết không bán đứa con tinh thần.

Tại phiên họp thường niên khi đó, Bầu Đức từng nói đến việc gác bóng đá sang một bên để tập trung điều hành tập đoàn qua khó khăn. Nhưng dù chiến lược kinh doanh của Hoàng Anh Gia Lai phải thay đổi liên tục, bán bớt tài sản để đảm bảo thanh khoản thì Học viện bóng đá vẫn chưa từng xuất hiện trong bất kỳ kế hoạch tái cơ cấu nào.

“Chặng đường dài, nhiều thăng trầm, có những lúc kinh tế khó khăn nhưng tôi quyết theo đuổi tới cùng và không cảm thấy gian khổ chút nào. Trái lại tôi thấy vui sướng và hạnh phúc vì sau những bộn bề lo toan việc kinh doanh, mình còn có những chiều ngồi xem tụi nhỏ đá bóng”, Bầu Đức từng chia sẻ.

Nhờ có Bầu Đức, HLV Park Hang-seo đã trở thành người thành công nhất trong lịch sử khi giúp bóng đá Việt Nam giành những thành tích ấn tượng ở cả khu vực và châu lục.

Còn nhớ Bầu Đức chính là người đã thông qua các đối tác của mình phát hiện ra HLV Park Hang-seo và giới thiệu với VFF, trước khi ông Đức cùng những người làm chuyên môn tại VFF sang Hàn Quốc ký hợp đồng với HLV này hồi cuối năm 2017.

Thời điểm đó, ông Đức còn kiêm luôn phần trả lương cho vị HLV người Hàn Quốc, mà không đụng đến nguồn tài chính của VFF. Cụ thể, mỗi tháng, HLV Park Hang-seo nhận 22.000 USD (hơn 500 triệu đồng), cộng với 35% thuế thu nhập cá nhân cũng do ông chi trả. Tổng cộng, mỗi tháng, Bầu Đức chi khoảng 700 triệu đồng tiền lương cho HLV Park Hang-seo.

Bầu Đức nói rằng, đội bóng là linh hồn của HAG. Thương hiệu Hoàng Anh Gia Lai từ đội bóng mà ra và cũng sản sinh nhiều cầu thủ lớn. Hoàng Anh Gia Lai hiện đang sở hữu thế hệ cầu thủ rất tài năng, có thể kể đến những cái tên như Lương Xuân Trường, Công Phượng, Tuấn Anh, Văn Toàn, Văn Thanh, Hồng Duy, Văn Sơn,…

“Trong tương lai làm gì với thương hiệu này, tôi đã có định hướng. Khi công ty mẹ ổn định tôi sẽ làm để có thể thu lại khoản tiền đầu tư 2.000 tỷ trong 20 năm. Nếu IPO đội bóng có thể mang lại lợi ích cho công ty, tôi cũng sẽ làm”, ông nói.

Bầu Đức: “Tôi quyết tâm xóa hết nợ để khỏi bị thị phi

Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai (HAG) vừa công bố báo cáo tài chính soát xét 6 tháng đầu năm 2022, ghi nhận lợi nhuận sau thuế hơn 500 tỷ đồng, tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2021 (chỉ lãi hơn 8 tỷ đồng).

Đáng chú ý, tổng nợ của HAGL từ đỉnh điểm hơn 35.000 tỷ đồng năm 2016 đã giảm về mức 14.000 tỷ đồng giữa năm nay. Trong đó, nợ ngân hàng giảm tương ứng từ mức 28.000 tỷ đồng xuống còn 8.000 tỷ đồng.

Tại buổi ra mắt sản phẩm “Bapi – Heo ăn chuối HAGL” tổ chức mới đây tại TPHCM, ông Đoàn Nguyên Đức – Chủ tịch HĐQT Công ty CP HAGL – cho biết: “Tôi quyết tâm xóa hết để khỏi bị thị phi. Tôi là người rất có ý thức về nợ nần và sẽ trả hết nợ. Có thể nói không ai cảm nhận về nợ được như tôi, bởi tôi từng mắc nợ rất nhiều”.

Gần 1000 thực khách là đối tác, cổ đông, bạn bè thân hữu của bầu Đức có mặt tại buổi ra mắt này đã rất thích thú khi thưởng thức đặc sản thịt heo ăn chuối – một sản phẩm được cho là độc đáo, không đụng hàng của chính bầu Đức và HAGL.

Về lộ trình trả nợ, HAGL trước tiên sẽ thanh toán một phần nợ gốc trước hạn tại lô trái phiếu trị giá hơn 600 tỷ đồng. Thời gian dự kiến 10 ngày kể từ khi công bố vào ngày 22/9. Dòng tiền trả nợ lấy từ khoản thu nợ của Công ty HAGL Agrico (HNG) và nguồn tiền sản xuất kinh doanh.

“Nếu trong 4 tháng cuối năm, HAG thu được hết khoản nợ từ HNG thì nợ ngân hàng sẽ giảm xuống dưới 6.000 tỷ đồng”, bầu Đức nói.

Hiện tại, hoạt động kinh doanh của HAGL đang mang lại lợi nhuận tốt, đến từ mô hình kinh doanh kép trồng chuối xuất khẩu và tận dụng trái chuối không đạt tiêu chuẩn xuất khẩu làm thức ăn chăn nuôi heo. Trong đó, sản phẩm thịt mang thương hiệu Heo ăn chuối Bapi HAGL cũng đã được tung ra thị trường, hướng đến là thế lực thịt có thương hiệu sau 2-3 năm tới.

Dự kiến, năm 2023, HAG sẽ cung ứng 1 triệu con heo sạch ra thị trường. Ngoài ra, HAGL cũng đang nghiên cứu và sẽ ra mắt dòng gà đi bộ ăn chuối vào tháng 11 năm nay. Doanh thu từ chuối, heo và gà sẽ mang lại dòng tiền lớn cho HAG để trả nợ, mở rộng kinh doanh.

HAG đang nuôi thí điểm 100.000 con gà trên diện tích 2ha tại huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai. HAG cũng đang tích cực tìm kiếm đối tác để mở rộng sản xuất và tiến tới mở rộng các sản phẩm chế biến từ heo.

Bầu Đức nói rằng, kế hoạch từ nay đến cuối năm 2022, công ty sẽ mở 200 cửa hàng Bapi Heo ăn chuối, cuối năm 2023 tăng lên 2.023 cửa hàng. Trong đó, 60-70% cửa hàng tập trung tại TPHCM và Hà Nội. Ngoài ra, HAG cũng ra mắt ứng dụng (app) để bán hàng với mục tiêu đáp ứng được khoảng 100.000 đơn hàng online/ngày.

Lộ trình xa hơn, HAG đặt mục tiêu cung ứng 1 triệu con heo ăn chuối và 5 triệu con gà đi bộ ăn chuối ra thị trường và tiến đến xây dựng nhà máy chế biến thịt, tham vọng trở thành một thế lực mới trên thị trường thịt thương hiệu trị giá khoảng 10 tỷ USD.

Với bức tranh mới về kinh doanh cùng sản phẩm heo ăn chuối và sắp tới là gà đi bộ, bầu Đức tự tin khẳng định: “HAG đã thoát nạn và đang bước sang trang mới tươi sáng”.

Trong thư gửi cổ đông thông báo kết quả kinh doanh 8 tháng đầu năm 2022, bầu Đức cho biết doanh thu thuần đạt hơn 2.700 tỷ đồng. Trong đó, mảng chăn nuôi đóng góp 29%, tương đương gần 800 tỷ đồng, từ việc tiêu thụ hơn 130.000 con heo ăn chuối.

Lượng tiêu thụ chuối trong 8 tháng đầu năm đạt gần 170.000 tấn, trong đó 30% dùng làm thức ăn gia súc. Lợi nhuận sau thuế 8 tháng của HAG là gần 800 tỷ đồng. Như vậy, HAGL đã hoàn thành 56% kế hoạch doanh thu và 69% chỉ tiêu lợi nhuận năm 2022.

Theo kế hoạch năm 2023, HAG cho biết nếu giá cổ phiếu HNG ở mức tốt, công ty sẽ bán toàn bộ hơn 100 triệu cổ phiếu này để thanh toán nợ ngân hàng.

“Với cổ phiếu HNG, công ty xác định không phải là công ty tài chính nên chủ trương cầm cổ phiếu là không có, HAG sẽ bán để thu tiền trả nợ. Chưa kể, nếu có đối tác phù hợp HAGL có thể phát hành thêm để tất toán luôn 10.000 tỷ nợ hiện nay”, bầu Đức khẳng định.

Năm 2023, HAGL dự kiến lợi nhuận tăng gấp 3-4 lần so với năm nay, lên mức 3.500-4.000 tỷ đồng, trong đó dành 1.000-1.500 tỷ đồng để trả nợ.

Đến 2024, HAGL tính toán sầu riêng cũng mang lại nguồn lãi lớn. Hiện tại, bầu Đức có khoảng 1.000ha sầu riêng trồng theo chuẩn GlobalGAP, trong đó hơn 200ha trồng tại Gia Lai và hơn 700ha ở Lào… Toàn bộ số sầu riêng trên đang ở độ tuổi 3-4 năm đã cho ra trái từ năm nay.

“Nếu mọi chuyện thuận lợi, 2024-2025, HAGL sẽ xóa hết nợ ngân hàng”, bầu Đức nói.

Tham khảo: Doanh nghiệp và tiếp thị, Nhịp sống thị trường, Người Đưa tin, Tiền Phong

Trang kiến thức chuyên biệt về Doanh Nhân, Kinh Doanh, Khởi Nghiệp, Làm Giàu, Tài Chính

Khát vọng của bầu Đức là gì? Ông muốn có tên trong danh sách tỷ phú thế giới chứ không còn đơn thuần là

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Recent Posts

Tags

Chưa có nội dung nào để hiển thị ở đây.