Tờ The Economist nhận định dù giàu nhất thế giới nhưng Trung Quốc lại ngập trong nợ bởi phần lớn tài sản tăng giá của thị trường này đến từ bấ
Tờ The Economist nhận định dù giàu nhất thế giới nhưng Trung Quốc lại ngập trong nợ bởi phần lớn tài sản tăng giá của thị trường này đến từ bất động sản, vốn là mảng đang đứng trên bờ vực đổ vỡ sau khi đế chế Evergrande vỡ nợ.
Vào tháng 11/2021, hãng tin Bloomberg cho biết Trung Quốc đã vượt Mỹ để trở thành quốc gia nắm giữ nhiều tài sản nhất thế giới với 120 nghìn tỷ USD, cao hơn 90 nghìn tỷ USD của Mỹ. Tuy nhiên tờ The Economist nhận định dù giàu nhất thế giới nhưng Trung Quốc lại ngập trong nợ bởi phần lớn tài sản tăng giá của thị trường này đến từ bất động sản, vốn là mảng đang đứng trên bờ vực đổ vỡ.
Câu chuyện những tập đoàn bất động sản khổng lồ như Evergrande chính thức vỡ nợ đã chẳng còn gì lạ khi nhiều người lo lắng chúng sẽ kích thích một sự sụp đổ dây chuyền trong hệ thống và biến cái mác “giàu nhất thế giới” của Trung Quốc thành trò cười.
Thế nhưng tờ Economist cho rằng hiểm họa của thị trường bất động sản không chỉ nằm ở những tập đoàn ngập nợ như Evergrande mà còn ở núi nợ ngầm 8.300 tỷ USD của các địa phương mà ít người chú ý.
Đây là những khoản nợ trái phiếu công của các địa phương mà nguồn trả nợ chủ yếu đến từ bán đất, thế nhưng thị trường ảm đạm khiến nguy cơ đổ vỡ của chúng đáng lo hơn nhiều so với một Evergrande.
Kỳ lạ nhất thế giới
Tháng 6/2021, thành phố Liuzhou thực hiện đấu giá các lô đất công nhưng chẳng mấy ai đến thầu, chỉ có duy nhất 1/5 lô là có chủ. Tương tự như nhiều nơi khác trên khắp Trung Quốc, sự đi xuống của thị trường bất động sản khiến nhu cầu đất công giảm rõ rệt. Các doanh nghiệp không bán được nhà đồng nghĩa họ không muốn mua thêm đất để triển khai các dự án mới nữa.
Thông tin này chẳng vui vẻ gì bởi đây là nguồn thu chính nhằm trả nợ cho các trái phiếu được phát hành bởi các công ty huy động vốn thuộc chính quyền địa phương (LGFV). Những doanh nghiệp nửa công-nửa tư này là nền tảng cho sự phát triển của kinh tế Trung Quốc thời gian qua, đồng thời góp phần đưa quốc gia này vượt Mỹ để trở thành nước giàu nhất thế giới khi thúc đẩy giá bất động sản tăng mạnh.
Sau thất bại tại Liuzhou, các hãng xếp hạng tín nhiệm đã hạ 2 trong số các LGFV của thành phố vì lo ngại chính quyền không đủ khả năng thanh toán đúng hạn.
Theo The Economist, LGFV là một trong những đổi mới tài chính thuộc hàng kỳ lạ nhất thế giới. Vào giữa thập niên 1990, chính quyền Bắc Kinh đã áp dụng luật ngân sách nhằm hạn chế nợ công địa phương. Để đối phó, chính quyền các nơi đã xây dựng LGFV nhằm huy động vốn và đây trở thành một trong những công cụ chính thúc đẩy xây dựng cơ sở hạ tầng cũng như kinh tế của các khu vực tại Trung Quốc.
Tất nhiên, số liệu của Goldman Sachs cho thấy dù tài sản có tăng giá nhờ bất động sản thì nợ vẫn còn đó và LGFV đang khiến Trung Quốc nợ tới 53 nghìn tỷ Nhân dân tệ, tương đương 8,3 nghìn tỷ USD hay 52% GDP.
Những khoản nợ này không nằm trong báo cáo tài chính công bởi các công ty trên là nửa công nửa tư nhân, được lập ra nhằm né quy định luật ngân sách từ trung ương. Thế nhưng tờ The Economist nhận định dù có né được báo cáo tài chính công thì cuối cùng chính quyền các địa phương vẫn phải trả nợ.
Trên thực tế Trung Quốc nhận thức rất rõ về LGFV và đã mất nhiều năm để giải quyết, thế nhưng việc trả nợ diễn ra rất chậm khi khoản thu từ những đầu tư công như cầu đường chẳng đáng bao nhiêu. Phần lớn các khoản thanh toán chủ yếu vẫn đến từ bán đất công cho các doanh nghiệp làm dự án nhưng với tình hình hiện nay, nguồn thu này cũng không khả quan.
Số liệu của hãng nghiên cứu Enodo Economics cho thấy trong một vòng đấu giá của 22 khu đất tại các thành phố lớn nhất Trung Quốc trong năm 2021, giá trúng thầu chỉ cao hơn 4,7% so với mức giá được đưa ra, thấp hơn rất nhiều so với tỷ lệ 16,7% của năm 2020.
Nguồn thu suy giảm khiến địa phương không còn nhiều ngân sách cho đầu tư tăng trưởng. Bình quân 60% lượng trái phiếu LGFV được phát hành để thanh toán nợ đáo hạn thay vì hút vốn để đầu tư cơ sở hạ tầng trong năm 2020-2021.
Đổ vỡ
Nhận thức được tình hình, chính quyền địa phương cũng đang cố gắng chuẩn bị cho một cuộc khủng hoảng mới. Thành phố Liuzhou đã chi tới 20 tỷ Nhân dân tệ ngân sách công để bù lỗ cho LGFV Dongtong, vốn bị Fitch hạ xếp hạng tín nhiệm từ tháng 8/2021.
Trong khi đó, một LGFV khác tại thành phố Chongqing và Guangxi đã phá sản vào tháng 3/2021. Chính quyền các địa phương như Jiangsu, Yunnan cũng đã phải ban hành quy định những LGFV phải tuân thủ quy định phá sản mà không được giấu nợ.
Tuy nhiên nhiều chuyên gia đánh giá việc LGFV bị vỡ nợ dây chuyền chỉ còn là vấn đề thời gian. Tính đến tháng 6/2021, tổng giá trị trái phiếu của các LGFV tại Trung Quốc đã đạt 11,9 nghìn tỷ Nhân dân tệ, cao gấp 6 lần tổng giá trị trái phiếu phát hành bởi những doanh nghiệp bất động sản và bằng 1/10 giá trị thị trường trái phiếu trong nước.
Trong khi đó, ngân hàng Nomura ước tính các LGFV sẽ phải thanh toán 32,2 tỷ USD trái phiếu phát hành bằng ngoại tệ đáo hạn vào năm 2022, cao hơn so với mức 26,9 tỷ USD đáo hạn của năm 2021.
Rõ ràng, việc Evergrande vỡ nợ với 300 tỷ USD sẽ chỉ là khởi đầu cho hàng loạt khó khăn tại Trung Quốc-gã nhà giàu số 1 thế giới.
Theo Doanh nghiệp và tiếp thị
Trang kiến thức chuyên biệt về Doanh Nhân, Kinh Doanh, Khởi Nghiệp, Làm Giàu, Tài Chính
Tờ The Economist nhận định dù giàu nhất thế giới nhưng Trung Quốc lại ngập trong nợ bởi phần lớn tài sản tăng giá của thị trường này đến từ bấ