Nhìn lại 10 năm từ bỏ bất động sản của HAG, nhiều người tiếc nuối, bản thân Chủ tịch Hoàng Anh Gia Lai Đoàn Nguyên Đức cũng thừa nhận
Nhìn lại 10 năm từ bỏ bất động sản của HAG, nhiều người tiếc nuối, bản thân Chủ tịch Hoàng Anh Gia Lai Đoàn Nguyên Đức cũng thừa nhận sai lầm, nhưng ông vẫn quả quyết rằng, HAGL sẽ không quay lại với BĐS.
Tại Đại hội cổ đông thường niên của Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai (HoSE: HAG) năm 2021 vừa qua, Chủ tịch Đoàn Nguyên Đức đã thừa nhận sai lầm khi từ bỏ lĩnh vực bất động sản (BĐS), một lĩnh vực được cho là “con gà đẻ trứng vàng” của HAG vào những năm 2008 để tập trung vào mảng nông nghiệp.
“Tôi dám khẳng định, năm 2008, HAG là công ty BĐS số một. Nhưng mỗi người mỗi quyết sách, tôi từ bỏ lĩnh vực này năm 2012 để làm nông nghiệp. Đến bây giờ, tôi khẳng định mình đã sai”, bầu Đức nói trước ĐHĐCĐ. Đồng thời, ông khẳng định, HAG sẽ không quay trở lại làm BĐS nữa vì khó có khả năng cạnh tranh với các doanh nghiệp hiện.
Bầu Đức thừa nhận, ông đã sai lầm khi rút khỏi thị trường BĐS, nhưng ông cũng khẳng định, HAG sẽ không quay lại với BĐS.
Tháo chạy khỏi bất động sản
Quả thực, bầu Đức nói không hề quá. Bởi trong giai đoạn từ năm 2006 – 2012, BĐS trở thành lĩnh vực chủ lực của HAG với doanh thu luôn dẫn đầu hàng năm. Vào thời hoàng kim, các dự án BĐS của HAG mọc lên khắp nơi.
Hầu hết trong số đó là chung cư, khách sạn, khu đô thị, văn phòng cho thuê hoặc các khu phức hợp. HAG từng được xem là “đại gia” trong giới BĐS Việt Nam với rất nhiều dự án lớn.
Đỉnh cao của HAG ở thời điểm lúc bấy giờ là việc xây dựng và phân phối các dự án lớn ở TP.HCM như: Khu căn hộ New SaiGon (huyện Nhà Bè), Hoàng Anh River View (quận 2), Khu căn hộ Phú Hoàng Anh (GĐ 1) (huyện Nhà Bè) và Khu căn hộ Hoàng Anh Gold House (quận 7), mang về mức doanh thu hơn 3.300 tỷ đồng, chiếm 77% tổng doanh thu của cả năm.
Với tốc độ phát triển nhanh, cuối năm 2008, Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai của bầu Đức chính thức niêm yết cổ phiếu trên sàn giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) với mã chứng khoán HAG. Việc nắm giữ 55% cổ phần, tương đương với 109 triệu cổ phiếu HAG, với thị giá lúc bấy giờ khoảng 6.160 tỷ đồng, đã đưa Chủ tịch HAG Đoàn Nguyên Đức trở thành người giàu nhất thị trường chứng khoán Việt Nam vào năm đó.
Đây là thời điểm thịnh vượng nhất của HAG và cũng là năm duy nhất, bầu Đức giữ vị trí cao nhất trong bảng xếp hạng những người giàu nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam.
Thế nhưng, với những khó khăn của thị trường BĐS trong nước giai đoạn 2012 – 2015 khiến bầu Đức phải cơ cấu lại các khoản mục đầu tư, do lượng tồn kho BĐS quá lớn. Từ năm 2013, mảng BĐS từ vị thế là nguồn thu chủ lực trong tổng doanh thu của Tập đoàn đã trở thành thiểu số với vỏn vẹn 248 tỷ đồng, so với con số hơn 2.800 tỷ đồng của năm 2012.
Vào tháng 8/2016, cổ đông của HAG nhận được một cú sốc thật sự khi doanh nghiệp công bố lỗ gần 1.000 tỷ đồng trong quý 2 năm đó. Nguyên nhân chính là từ việc thanh lý BĐS và đánh giá lại giá trị tài sản.
Cụ thể, việc thanh lý tài sản làm cho HAG lỗ hơn 397 tỷ đồng và lỗ từ đánh giá lại các tài sản không hiệu quả 530 tỷ đồng. Bên cạnh đó, với khoản nợ vay khổng lồ doanh nghiệp này cũng phải hoạch toán chi phí lãi vay tăng gấp đôi lên 500 tỷ đồng.
Việc HAG thua lỗ không phải là điều quá bất ngờ nhưng cũng gây ra cú sốc lớn đối với các cổ đông lúc bấy giờ, bởi việc thua lỗ này đến chủ yếu từ mảng BĐS, mảng kinh doanh mà trước đó là chủ lực.
Trước đó, năm 2013, HAG đã tái cấu trúc lại mảng hoạt động kinh doanh BĐS tại Việt Nam qua việc chuyển phần lớn mảng này vào công ty con là Công ty An Phú. Đồng thời, tách An Phú ra khỏi HAG bằng cách bán toàn bộ cổ phần cho cổ đông hiện hữu của HAG.
Chật vật với mía đường và cao su
Cũng từ đây HAG chính thức tháo chạy khỏi lĩnh vực BĐS nhằm tìm kiếm cơ hội trong ngành nông nghiệp ở nước ngoài. Xác định mảng nông nghiệp là mảng chính yếu của Tập đoàn trong giai đoạn mới.
Bầu Đức đã mạnh tay rót hàng chục nghìn tỷ đồng để đầu tư vào trồng cao su, chà là, mía đường, ngô, chăn nuôi bò… Trong đó, diện tích tích trồng cao su, chà là tại Lào và Campuchia đã lên tới hàng trăm nghìn ha.
Đặc biệt là vào năm 2012, HAG gây chú ý dư luận khi quyết định đầu tư 100 triệu USD khởi công xây dựng Cụm công nghiệp Mía đường Attapeu. Cụm công nghiệp khép kín này đặt ngay tại nông trường mía 10.000 ha, bao gồm một nhà máy tinh luyện đường công suất 120 ngàn tấn/năm, một nhà máy nhiệt điện 30 MW và một nhà máy sản xuất ethanol. Với dự án này, bầu Đức tự tin sẽ đưa về Việt Nam 100.000 tấn đường.
Mặc dù đặt nhiều kỳ vọng vào ngành mía đường, nhưng áp lực nợ nần buộc bầu Đức phải bán lại công ty HAGL Sugar – Công ty này sở hữu 100% vốn của Công ty TNHH Mía đường Hoàng Anh Attapeu – đơn vị sở hữu nhà máy đường và nông trường mía tại Lào) cho Đường Biên Hòa và Thành Thành Công Tây Ninh với giá 1.330 tỷ đồng vào năm 2017.
Đối với cao su, HAG đã trồng được hơn 42.000 ha cao su tại Lào và Campuchia. Con số này khá lớn khi so sánh với tổng diện tích trồng cao su ở Việt Nam khoảng hơn 800.000 ha ở thời điểm lúc bấy giờ. Bầu Đức kỳ vọng loại cây này sẽ mang lại giá trị kinh tế cao khi giá cao su đạt đỉnh lên tới hơn 50.000 đồng/kg mủ tươi.
Tuy nhiên, “người tính không bằng trời tính”, vào thời điểm cao su cho thu hoạch thì giá mủ cao su thế giới đã giảm đến 60 -70%, chỉ còn quanh mức 7.000 đến 12.000 đồng/kg mủ tươi. Điều này đồng nghĩa với số diện tích cao su có giá trị hàng chục nghìn tỷ đồng cũng giảm sút đáng kể.
Doanh thu từ bán mủ cao su của HAG trong 9 tháng đầu năm 2016 chỉ đạt 51 tỷ đồng, giảm 62% so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù, giai đoạn 2017 – 2020, giá cao su quốc tế đã vài lần biến động tăng nhưng vẫn còn rất xa so với mức đỉnh thời điểm HAG đầu tư.
Sau nhiều năm xoay trục từ mía đường, cao su, sang chăn nuôi bò, rồi lại trở lại với cây ăn trái nhưng vẫn không hiệu quả. HAG ôm một khối nợ khổng lồ lên đến hàng nghìn tỷ đồng đã buộc bầu Đức phải bán Công ty CP Nông nghiệp Quốc tế HAGL Agrico (HoSE: HNG) cho THACO của tỷ phú Trần Bá Dương vào tháng 8/2018, với gần 8.000 tỷ đồng, tương đương với 35% vốn điều lệ của HNG.
Bầu Đức cho biết, việc chuyển HNG cho THACO giúp ông có thể tập trung vào HAG hơn. Bầu Đức thừa nhận, ông Trần Bá Dương là người đã cứu HAG, nhờ đó mà HAG mới giảm được khối nợ vay và có thể thoát khỏi khó khăn.
Kiên trì với chuối và heo
Mới đây, trong thông điệp gửi cổ đông trước thềm ĐHĐCĐ năm 2022, bầu Đức cho biết, trước những diễn biến phức của đại dịch COVID-19, chuỗi cung ứng bị gián đoạn, giá cả các các yếu tố sản xuất đầu vào tăng cao trong khi giá bán nông sản chưa tăng tương xứng, làm cho ngành nông nghiệp gặp nhiều thách thức.
Trong bối cảnh đó, HĐQT và Ban Tổng Giám đốc tiếp tục kiên định theo đuổi phương châm tái cấu trúc, tinh gọn sản xuất kinh doanh và giảm bớt nợ vay, thích ứng với tình hình phức tạp khó lường của môi trường kinh doanh.
Cụ thể, Tập đoàn tập trung vào hai lĩnh vực chính là cây ăn trái và chăn nuôi heo. Diện tích cây ăn trái theo kế hoạch là 10.000 ha, trong đó cây chuối chiếm 7.000 ha (đến cuối năm 2021 HAG đã trồng được 5.000 ha, sang năm 2022 sẽ trồng thêm 2.000 ha).
Đối với ngành chăn nuôi heo, bầu Đức cho biết, đến cuối năm 2021 HAG đã xây dựng được 7 cụm chuồng trại với công suất nuôi khoảng 400.000 con heo thịt mỗi năm (mỗi cụm chuồng trại nuôi 2.400 con heo nái và mỗi con heo nái sinh ra khoảng 25 con heo thịt mỗi năm).
Sang năm 2022, HAG sẽ xây dựng thêm 9 cụm chuồng trại để nâng tổng số lên thành 16 cụm, với công suất hơn 1 triệu con heo thịt/năm.
Lợi thế cạnh tranh của HAG là có được quỹ đất rộng lớn xa khu dân cư, khí hậu và thổ nhưỡng thích hợp, khoảng cách địa lý và điều kiện vận chuyển đến cảng biển và thị trường tiêu thụ thuận lợi. Sản phẩn chuối và thịt heo là hai loại thực phẩm cơ bản và thiết yếu với cuộc sống, chưa kể thị trường tiêu thụ rộng lớn.
Theo bầu Đức, điểm sáng và mới mẻ của HAG là sự sáng tạo trong việc vận dụng nguồn lực bổ trợ từ ngành chuối để tạo ra lợi thế cạnh tranh đặc biệt cho ngành chăn nuôi heo. Chuối loại thải từ ngành trồng trọt (khoảng 200.000 tấn/năm) là nguồn nguyên liệu giàu dinh dưỡng làm thức ăn chăn nuôi heo, giúp hạ giá thành sản phẩm.
Hơn nữa, sản phẩm “thịt heo ăn chuối” là loại sản phẩm độc đáo, vừa thơm ngon lại vừa đáp ứng tiêu chí sản phẩm hữu cơ, được người tiêu dùng đánh giá cao và tiếp nhận nồng nhiệt.
“Kế thừa những thành quả đạt được của năm 2021, HAG đặt mục tiêu tăng trưởng mạnh trong năm 2022 và các năm tiếp theo. Cụ thể, chỉ tiêu kế hoạch đề ra năm 2022 là doanh thu đạt 4.800 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 1.120 tỷ đồng. HAG cũng sẽ phát hành cổ phần riêng lẻ để huy động vốn chủ sở hữu 1.200 tỷ đồng đầu tư vào ngành chuối và chăn nuôi heo”, Chủ tịch HAG Đoàn Nguyên Đức thông tin.
Có thể nói, 10 năm qua là giai đoạn khó khăn nhất của HAG cũng như đối với bầu Đức. BĐS đã đưa thương hiệu ông bầu phố núi Đoàn Nguyên Đức lên đỉnh cao của sự nghiệp, trở thành người giàu nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam và là Doanh nhân có ảnh hưởng nhất Đông Nam Á. Thế nhưng, cũng chính BĐS đã khiến bầu Đức khốn đốn và đứng trước nguy cơ phá sản.
Vẫn còn khá sớm để kết luận, liệu bầu Đức có thành công với chuối và heo hay không, nhưng với chiến lược đầu tư tập trung, bài bản, chú trọng sản xuất các sản phẩm có chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn Global Gap hoặc các tiêu chuẩn tương đương đủ điều kiện xuất khẩu vào các thị trường khó tính như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore và các nước châu Âu…
Đặc biệt là chiến lược lấy thị trường Trung Quốc làm nền tảng và sẽ chiếm giữ vị trí nhà cung cấp trái cây nhiệt đới lớn nhất tại thị trường này, nhà đầu tư vẫn có niền tin vào một ngày không xa, bầu Đức sẽ đưa HAG trở lại vị trí dẫn đầu, nhưng không phải là trong ngành BĐS như thời điểm hơn 10 năm về trước, mà là một trong những doanh nghiệp dẫn đầu của ngành Nông nghiệp Việt Nam.
Trang kiến thức chuyên biệt về Doanh Nhân, Kinh Doanh, Khởi Nghiệp, Làm Giàu, Tài Chính
Nhìn lại 10 năm từ bỏ bất động sản của HAG, nhiều người tiếc nuối, bản thân Chủ tịch Hoàng Anh Gia Lai Đoàn Nguyên Đức cũng thừa nhận