Việc bắt đầu ngành công nghiệp điện tử của Samsung cũng không dễ dàng bởi sau vụ nhập lậu phân bón, mâu thuẫn giữa Lee Byung-chul và Park
Việc bắt đầu ngành công nghiệp điện tử của Samsung cũng không dễ dàng bởi sau vụ nhập lậu phân bón, mâu thuẫn giữa Lee Byung-chul và Park Chung-hee đã lên đến đỉnh điểm.
Trong tình hình đó, để chính phủ thông qua dự án phát triển ngành công nghiệp điện tử đều phải nhờ đến tài nắm bắt cơ hội chuẩn xác của Lee Byung-chul.
Năm 1968, vào những phút cuối ở chiến trường Việt Nam, Park Chung-hee (Tổng thống thứ ba của Hàn Quốc) đã chỉ thị văn phòng chính phủ chuẩn bị kế hoạch cho thời kỳ sau khi chiến tranh ở Việt Nam kết thúc và cơ hội kiếm được lợi nhuận từ cuộc chiến này cũng qua đi.
Ngày 28 tháng 12 năm ấy, chính phủ công bố luật xúc tiến công nghiệp điện tử. Ngày 19 tháng 6 năm sau, chính phủ công bố tiếp ‘Kế hoạch 8 năm phát triển ngành công nghiệp điện tử’ với nội dung cốt lõi là trong 8 năm sẽ đầu tư 14 tỷ won để giá trị xuất khẩu của ngành công nghiệp điện tử đạt 400 triệu đôla.
Lee Byung-chul đã biến cơ hội ấy thành cơ hội của mình. Trong một cuộc phỏng vấn với Triều Nhật tân văn, ông không ngần ngại bày tỏ ý định đầu tư vào ngành công nghiệp điện tử: “Ngành công nghiệp điện tử là ngành sẽ thành công trong tương lai. Hiện nay, Mỹ đang dẫn đầu trong lĩnh vực này nhưng Samsung cũng muốn thử sức”.
Thời ấy, khái niệm “điện tử” còn khá lạ lẫm với người dân. Khi Lee Byung-chul định đầu tư vào ngành này, cả giới điện tử trong nước cùng Công ty Goldstar (Kim Tinh) của Koo In-hwoi đều phản đối kịch liệt.
Mặc dù vậy, Lee Byung-chul không hề chùn bước. Trên thương trường không thể để tình cảm cá nhân chi phối. Hơn nữa, điện tử chính là ngành sẽ giúp ông khôi phục lại danh dự sau vụ nhập lậu phân bón tai tiếng.
Công ty Goldstar của Koo In-hwoi chỉ trích rằng nếu Samsung tham gia vào ngành điện tử sẽ dẫn đến tình trạng cạnh tranh quá mức. Trước quan điểm này, Lee Byung-chul cho rằng các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp điện tử phải tương thân tương ái thì mới có thể cùng nhau phát triển.
Ông cũng chỉ ra rằng mặt hàng tivi và radio do Samsung sản xuất sẽ chỉ bán 15% tại thị trường nội địa, còn lại 85% sẽ xuất ra thị trường nước ngoài.
Giữa lúc ấy, mối trở ngại lớn nhất của Lee Byung-chul là Park Chung-hee. Park Chung-hee vừa lập xong kế hoạch phát triển ngành điện tử thì cái gai trong mắt ông là Lee Byung-chul lại tuyên bố bước vào ngành này.
Tất nhiên, Park Chung-hee không chấp nhận điều đó. Lee Byung-chul đành phải chủ động xuống nước tìm đến Nhà Xanh. Trước mặt Park Chung-hee, người chủ trương theo đuổi chính sách hướng về xuất khẩu, Lee Byung-chul nhấn mạnh việc ngành công nghiệp điện tử là một phương tiện hữu hiệu để kiếm thêm nhiều ngoại tệ.
Sau buổi gặp hôm ấy, Park Chung-hee quyết định cho phép Samsung đầu tư vào ngành này với điều kiện toàn bộ hàng điện tử do Samsung sản xuất chỉ được phục vụ cho xuất khẩu. Lee Byung-chul đã chấp nhận điều kiện ấy Lee Byung-chul biết chính xác mối bận tâm lớn nhất của Park Chung-hee chính là phát triển kinh tế, và để làm được điều này, yếu tố quan trọng nhất là phải có nhiều ngoại tệ.
Hàng chế xuất bao giờ cũng có tỷ lệ lợi nhuận thấp hơn hàng sản xuất bán trong nước, cạnh tranh trên thị trường quốc tế thì không thể lấy biên độ lợi nhuận cao. Dù vậy, Lee Byung-chul cuối cùng cũng đã tìm được cơ hội cho riêng mình để có được tấm vé xuất khẩu hàng điện tử ngay trong mối bất hòa với Park Chung-hee.
Chúng ta sẽ xây dựng nhà máy lớn hơn Sanyo
Tháng 1 năm 1969, Lee Byung-chul lập ra Công ty Công nghiệp Điện tử Samsung, tiền thân của Công ty Điện tử Samsung sau này. Ông sang Nhật gặp Iue Toshio, Chủ tịch Sanyo. Toshio Iue chính là em vợ của Konosuke Matsushita, người sáng lập Công ty Điện tử Matsushita (chính là Panasonic ngày nay). Toshio Iue từng một thời cùng gây dựng Tập đoàn Matsushita nhưng sau đó tách ra lập công ty riêng.
Khu đất xây dựng Công ty Điện tử Sanyo nằm ở Tokyo, rộng khoảng 400 nghìn pyeong (khoảng 132 m2), ở đó, hàng loạt sản phẩm điện tử được làm ra mỗi ngày, từ tivi, máy lạnh đến tủ lạnh…
Về nước sau chuyến tham quan nhà máy của Sanyo, Lee Byung-chul lập tức triệu tập ban giám đốc rồi chỉ thị cấp dưới tìm cho ra một khu đất xây dựng nhà máy rộng từ 410 nghìn pyeong trở lên.
Quan điểm của Lee Byung-chul là: “Bây giờ khu đất 410 nghìn pyeong ấy có thể là quá rộng nhưng không bao lâu nữa, chúng ta sẽ còn cần nhiều hơn thế’.
Sau khi dạo một vòng ở Suwon, Lee Byung-chul quyết định mua toàn bộ khu đất 450 nghìn pyeong ở phường Maetan, thành phố Suwon để xây dựng nhà máy. Dư luận lại bắt đầu chỉ trích rằng Samsung là đang tham gia vào ngành bất động sản sau khi thất bại với ngành sản xuất phân bón. Thời ấy, nhà máy nào lớn lắm cũng chỉ nằm trên khu đất chừng vài chục nghìn pyeong.
Tháng 12 năm 1969, Công ty Điện Samsung – Sanyo được thành lập với số vốn điều lệ 50 triệu đôla, trong đó, Samsung đóng góp 50%, Sanyo đóng góp 40%, còn lại 10% là của Sumitomo.
Vào thời điểm Samsung xây dựng nhà máy, Iue đột ngột qua đời. Ngay lập tức, Sanyo thay đổi chiến lược, họ đề nghị giảm 1/3 quy mô nhà máy đồng thời yêu cầu xây trước nhà máy sản xuất linh kiện.
Họ muốn tận dụng nguồn nhân công giá rẻ của Hàn Quốc để biến Công ty Điện tử Samsung thành một đơn vị gia công giúp. Họ cũng làm ngơ trước đề nghị của Lee Byungchul về việc nhanh chóng xúc tiến xây dựng nhà máy sản xuất tủ lạnh và chuyển giao công nghệ.
Họ ép buộc Samsung phải gắn nhãn mác của Sanyo trên mọi sản phẩm do nhà máy làm ra, bao gồm cả 15% hàng được chính phủ cho phép giữ lại để bán ở thị trường nội địa. Lúc này, Samsung vẫn chưa nắm được công nghệ gì nên đành chịu để cho công ty Nhật chèn ép.
Mặc dù vậy, 40 năm sau, Samsung đã rửa được mối hận này với sản phẩm chất bán dẫn. Lee Byung-chul muốn lật ngược tình thế của một người đi sau bằng việc sản xuất tivi, nhưng mãi hai năm sau khi thành lập liên doanh, Sanyo mới chịu xây nhà máy, song cũng không muốn làm đến nơi đến chốn. Kết quả là đến năm 1972, khi nhà máy sản xuất tivi vừa được hoàn thành, Lee Byung-chul đã quyết định chấm dứt mối quan hệ liên doanh với Sanyo.
Công ty Điện tử Samsung thua lỗ ngay từ lúc vừa bắt đầu, mãi đến cuối năm 1973, khi tivi màu của Samsung được phép bán ra thị trường, công ty mới bắt đầu lấy lại vốn. Từ lúc các đối thủ đang đua nhau bán tivi đen trắng, Lee Byung-chul đã cho nghiên cứu phát triển dòng tivi màu.
Dù “sinh sau đẻ muộn” trong giới điện tử, nhưng đến năm 1974, Samsung đã bỏ xa các đối thủ cạnh tranh để trở thành doanh nghiệp đầu tiên trong nước sản xuất được tivi màu. Chính sản phẩm này đã hiện thực hóa giấc mơ của người đi sau về vị trí dẫn đầu ngành.
Theo Zingnews/Alpha Books & NXB Thế giới
>> Theo dõi toàn bộ bài viết thuộc Series “Thương Trường Kỳ Truyện” tại đây: Những câu chuyện kì bí trên thương trường, những phi vụ làm chấn động thế giới kinh doanh trong lịch sử và những bài học được đút kết ra đằng sau những mẫu chuyện đấy!
Trang kiến thức chuyên biệt về Doanh Nhân, Kinh Doanh, Khởi Nghiệp, Làm Giàu, Tài Chính
Việc bắt đầu ngành công nghiệp điện tử của Samsung cũng không dễ dàng bởi sau vụ nhập lậu phân bón, mâu thuẫn giữa Lee Byung-chul và Park
Trả lời