Cùng ngẫm triết lý làm người chân chính của chủ tịch Trung Nguyên cà phê, ông Đặng Lê Nguyên Vũ: Chính mình là cây ngô đồng, phượng hoàng mới đến đậu; chính mình là biển lớn, trăm sông
Cùng ngẫm triết lý làm người chân chính của chủ tịch Trung Nguyên cà phê, ông Đặng Lê Nguyên Vũ: Chính mình là cây ngô đồng, phượng hoàng mới đến đậu; chính mình là biển lớn, trăm sông mới tụ về…
Ông Đặng Lê Nguyên Vũ là người sáng lập, chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Trung Nguyên, Việt Nam. Ông là người được 2 tạp chí danh tiếng thế giới là National Geographic Traveller và Forbes Asia vinh danh là “Vua Cà phê Việt Nam”.
Trưởng thành từ kinh doanh cà phê, Đặng Lê Nguyên Vũ muốn nâng dần ý nghĩa của việc kinh doanh cà phê từ kinh doanh thuần túy đến đạo cà phê, đưa Việt Nam thành thánh địa cà phê toàn cầu.
Không chỉ nổi tiếng với mảng kinh doanh cà phê, những dự án dành cho giới khởi nghiệp, hay chuyện cá nhân lùm xùm liên quan tới vụ ly hôn tốn nhiều giấy mực của báo giới, ông Đặng Lê Nguyên Vũ còn là một người ham đọc sách với những triết lý thâm sâu, mang lại nhiều giá trị tinh thần cho người trẻ.
Với hashtag #sống-tỉnh-thức mang đầy triết lý thiền, ngay lập tức, trên mạng xã hội, những câu triết lý thâm sâu về đạo làm người của vua cà phê được các bạn trẻ khơi lại, và mang ra nghiền ngẫm.
Hãy cùng xem lại những câu nói kinh điển về đạo làm người của “vua cà phê” xứ Tây Nguyên từng một thời được dân mạng bàn luận sôi nổi là những gì?
1. Thường xét lỗi của mình, sẽ từ từ quên đi lỗi lầm của người khác. Vốn không có ai đúng ai sai, chỉ là lập trường bất đồng. Mỗi người cần tôn trọng lập trường của nhau.
2. Xin đừng mạo muội đánh giá người khác, bạn chỉ biết tên của họ, nghe người khác nói họ đã làm gì nhưng bạn không thể biết hết họ đã trải qua những gì.
3. Một người chân chính mạnh mẽ, sẽ không quá quan tâm đến chuyện làm vui lòng đẹp ý người khác, điều quan trọng nhất là bạn phản nâng cao nội lực của chính mình. Khi bạn đã rèn luyện tốt rồi, tự khắc sẽ có người đến gần gũi với bạn. Chính mình là cây ngô đồng, Phượng hoàng mới đến đậu. Chính mình là biển lớn, trăm sông mới hội tụ. Như hoa có hương, ong bướm sẽ tụ hội. Khi bạn đến được tầng bậc nhất định, bạn sẽ có được những mối quan hệ xã hội tương ứng, mà không phải là ngược lại.
4. Không ai có thể theo bạn cả 1 đời, cho nên bạn phải có năng lực vui sống ở nơi mình đang sống, vui với việc mình làm! Không ai giúp bạn cả 1 đời, cho nên bạn phải kiến lập 1 cái tôi tự lập mạnh mẽ.
5. Đời người vốn là 1 loại cảm thụ. Lúc người bạn yêu vứt bỏ bạn, dù bạn kêu trời trách đất cũng không ích gì. Lúc có người nói xấu bạn, dù có trăm miệng cũng khó biện bạch được.
Chuyện đời vốn dĩ: lúc đắc ý – tâm thế như triều dâng, lúc thất chí – tâm tình như hoa rụng. Thế cho nên đừng quá quan trọng chính mình, khi bị khuất nhục, không còn cách gì, muốn rơi lệ… Tất cả những giấy phút đó, đều không thể thiếu trong đời người.
6. Đôi lúc, mình ngưỡng mộ, ham thích hạnh phúc của người khác. Bất chợt quay đầu nhìn lại, thấy cuộc sống của mình được người khác ngưỡng mộ.
Kỳ thực, mỗi người đều đang hạnh phúc, chỉ là nó không nằm trong mắt bạn mà nằm trong mắt người khác, nên bạn không nhận ra.
Hạnh phúc ví như 1 quả núi, không đỉnh cũng không đầu. Bạn chỉ có thể học cách đi thật chậm, chiêm ngưỡng cảnh núi, thưởng thức ánh sắc cầu vồng, hóng gió mát vi vu, tâm trạng thư thả mới có thể cảm nhận được sự sung túc mà cuộc sống mang lại cũng như hạnh phúc mà bạn đang có.
7. Hạnh phúc không bỏ sót bất kỳ người nào, sớm muộn gì cũng có ngày nó tìm đến bạn.
8. Đời người là 1 quá trình vận động, phát triển liên tục. Bạn sẽ không bao giờ biết thời khắc kế tiếp sẽ phát sinh chuyện gì, cũng sẽ không rõ vì sao vận mệnh lại đối đãi với bạn như vậy.
Chỉ sau khi bạn trải qua các loại biến cố trong đời sống, bạn mới rũ bỏ cách nhìn phù hoa ban đầu, thay vào đó là sự nhìn nhận thế giới bằng tâm thái khiêm tốn.
9. Ví như bạn quét lá, dù hôm nay bạn dùng hết sức, thì lá khô ngày mai vẫn bị gió thổi đến. Trên đời, có nhiều việc không thể mong gấp mong sớm được. Thay vào đó, bạn hãy sống trọn vẹn với giây phút hiện tại và không ngừng vươn lên.
***
Bạn nghĩ như thế nào và có đồng tình với quan điểm về đạo làm người của ông Đặng Lê Nguyên Vũ không, hãy chia sẻ với chúng tôi nhé!
Đặng Lê Nguyên Vũ, người dám bỏ dở Đại học Y Tây Nguyên để theo đuổi “giấc mơ cà phê” với mong ước vươn ra khỏi cảnh đói nghèo từ miền quê Đắk Lắk. Câu chuyện có vẻ như điên rồ của 20 năm trước chính là tiền thân của thương hiệu Trung Nguyên hôm nay.
Năm 1996, với số vốn ít ỏi góp chung với nhóm bạn cùng khoá, Đặng Lê Nguyên Vũ thành lập hãng cà phê Trung Nguyên, lúc đấy là một cửa hàng bé tẹo chỉ… vài mét vuông.
Sau hai năm không ngừng nổ lực tìm kiếm thị trường và thăm dò thị hiếu của người tiêu dùng, việc kinh doanh của Vũ ngày càng thuận lợi. Từ một địa điểm ban đầu, thông qua hình thức nhượng quyền, số lượng quán cà phê mang thương hiệu Trung Nguyên đã tăng lên vài chục quán, toạ lạc tại những vị trí đẹp tại các thành phố lớn.
Để gây dựng Trung Nguyên như ngày nay, một yếu tố quan trọng đóng góp cho sự thành công chính là chiến lược chỉ đua với người đứng đầu. Theo doanh nhân Đặng Lê Nguyên Vũ thì chỉ có tranh đua với những người đi đầu thì ta mới có cơ hội đi đầu.
Cuối năm 2003, Trung Nguyên chính thức tham gia sân chơi cà phê hoà tan với sản phẩm đầu tiên là G7. Lúc này, thị trường cà phê hoà tan Việt đang bị thống lĩnh bởi hai “ông lớn” là Nescafe của Nestle và của Vinacafe của Tổng công ty Cà phê Việt Nam. Tuy nhiên, ông Vũ đã có một bước đi khá khôn ngoan khi dám thách thức với “người khổng lồ” Thuỵ Sĩ.
Năm 2003, tại Dinh Thống Nhất, lần đầu tiên trong lịch sử, một thương hiệu Việt Nam chưa có tên tuổi – G7 đã tổ chức một cuộc thử mù, với quy mô khoảng 11.000 người tham gia với 2 sản phẩm là G7 và Nescafé của Nestlé – thương hiệu toàn cầu nổi tiếng nhất trong lĩnh vực cà phê hòa tan.
Kết quả nghiêng về G7 với 89% người uống chọn G7 trong khi chỉ 11% chọn Nescafe. Sự kiện thử mù đã làm phá tan định kiến “đồ ngoại tốt hơn đồ nội”. Và cũng từ đó, G7 bắt đầu trở nên thân thuộc với người Việt.
Năm 2005, hãng cà phê Trung Nguyên được xem là nhà chế biến cà phê lớn nhất Việt Nam, vượt qua tất cả đối thủ nước ngoài. Năm 2010, sản phẩm cà phê Trung Nguyên được xuất khẩu đến hơn 60 quốc gia trên toàn thế giới.
Tháng 2 năm 2012, Đặng Lê Nguyên Vũ lần đầu tiên được vinh danh là “Vua Cà phê Việt” một cách chính thức trên tạp chí National Geographic Traveller.
Tiếp đó, một tờ báo Mỹ uy tín khác về kinh doanh, Forbes, lại khắc họa chân dung về ông như một nhân vật “zero to hero” (từ vô danh thành anh hùng).
Tháng 11/2012, Đặng Lê Nguyên Vũ là người châu Á duy nhất được mời tham dự Hội thảo “Thiết lập chương trình nghị sự quốc tế” tổ chức tại Lucerne (Thụy Sĩ) và gây kinh ngạc khi khẳng định “học thuyết cà phê” sẽ thay thế các học thuyết đã gãy đổ.
Tên của Trung Nguyên, giờ đây, không chỉ gói gọn trên thị trường Việt Nam. Trung Nguyên đã lan tỏa vào thị trường của 60 nước trên thế giới, từ London đến New York, hay như ở Hàn Quốc và Trung Quốc, tăng trưởng mỗi năm đạt đến 25%.
Và cái tên Đặng Lê Nguyên Vũ cũng đã trở thành hình ảnh đại diện cho những hoài bão, tham vọng, khát khao vươn ra thế giới của doanh nhân Việt… Nhưng doanh nhân Đặng Lê Nguyên Vũ cũng nhắn gửi, không có công thức chung cho tất cả và từng bạn trẻ cần chọn lọc để tìm ra công thức thành công riêng cho chính bản thân mình.
Trang kiến thức chuyên biệt về Doanh Nhân, Kinh Doanh, Khởi Nghiệp, Làm Giàu, Tài Chính
Cùng ngẫm triết lý làm người chân chính của chủ tịch Trung Nguyên cà phê, ông Đặng Lê Nguyên Vũ: Chính mình là cây ngô đồng, phượng hoàng mới đến đậu; chính mình là biển lớn, trăm sông